Phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía bắc

Ngày 10-11, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp Ủy UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía bắc.

Ngày 10-11, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp Ủy UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía bắc.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ NN và PTNT; Bộ KH và CN; Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng các doanh nghiệp của 22 tỉnh trong khu vực phía bắc.

Theo số liệu thống kê của Cục trồng trọt, tổng diện tích cây có múi trên cả nước là 235.216 ha. Trong đó, diện tích trồng cây có múi ở các tỉnh phía bắc là 106.125 ha, các tỉnh Bắc Trung Bộ là 29.630 ha, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 7.761 ha và các tỉnh phía nam là 91.702 ha. Đây là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các vùng địa phương trong cả nước.

Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Cam Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang; bưởi Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình; quýt Bắc Kạn… Diện tích và sản lượng cây có múi cả nước tăng liên tục trong những năm gần đây; cơ cấu giống phong phú; chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 là 47,5 triệu USD.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi nước ta nói chung, miền bắc nói riêng đang đứng trước một số hạn chế thách thức đó là: Các giống địa phương vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu, tỷ lệ các giống mới chọn tạo, giống nhập nội chưa cao; giống thoái hóa, có nhiều hạt, làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm ăn tươi, khó khăn cho công nghiệp chế biến; tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chưa được phổ biến rộng rãi; tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường đất, nước…

Tại tỉnh Hòa Bình, năm 2020 diện tích cây có múi đạt khoảng 11.500 ha, trong đó cam quýt 5,750 ha, bưởi 5.250 ha. Diện tích kinh doanh khoảng 7.400 ha, sản lượng gần 160 nghìn tấn. Đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, có điều kiện sản xuất thâm canh cao như vùng sản xuất cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn. Bộ giống cây có múi của tỉnh đa dạng với gần 20 giống cam, bưởi khác nhau. Toàn tỉnh có 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ… với 38 cơ sở được chứng nhận; có một chỉ dẫn địa lý, hai nhãn hiệu chứng nhận và bốn nhãn hiệu tập thể.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Cây có múi đã và đang là nhóm cây chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất cây có múi của tỉnh còn nhiều bất cập cần sự quan tâm của Bộ NN và PTNT, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đó là: Tình trạng buôn bán giống không rõ nguồn gốc; phát triển nóng diện tích ngoài quy hoạch; kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ; việc bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức; khó khăn trong hoạt động bảo quản, sơ chế, chế biến…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận về tình hình sản xuất, tình hình dịch hại cây có múi, định hướng công tác bảo vệ thực vật và mở cửa thị trường, công nghiệp chế biến, xúc tiến các loại quả có múi; tổng hợp kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, sau thu hoạch trong những năm gần đây và định hướng trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Sản xuất cây có múi có vị trí, vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại, đề nghị các cục, vụ, bộ, ban ngành T.Ư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển cây có múi bền vững, thực hiện tốt quy hoạch vùng trồng.

Thời gian tới cần rà soát, xây dựng quy hoạch canh tác, xác định chủng loại, quy mô, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đánh giá và kiểm soát chất lượng các giống sản xuất và quy trình sản xuất, bảo vệ thực vật đúng yêu cầu kỹ thuật. Làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, áp dụng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại hiệu quả, an toàn. Có chính sách hỗ trợ giống chất lượng, đồng thời hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất cây có múi hiện đại, quan tâm xây dựng bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm…

ANH HẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/phat-trien-ben-vung-cay-an-qua-co-mui-tai-cac-tinh-phia-bac-623957/