Phát triển AI: Không có thời gian để ngồi đợi các nơi đi trước

Năm 1956, John Mccarthy lần đầu tiên nhắc đến Artificial Intelligence (trí tuệ nhân tạo), thường được gọi tắt là AI, tại hội nghị Dartmouth. Có lẽ lúc đó, những người có mặt và cả thế giới cũng không nghĩ rằng, có lúc AI có thể dậy sóng như thời điểm hiện tại. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Anh Sơn, đang công tác tại Trung tâm Sáng tạo - trường Đại học Nagoya, Nhật Bản về vấn đề này.

TBKTSG: AI cần được hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?

 Ông Lê Anh Sơn.

Ông Lê Anh Sơn.

- Ông Lê Anh Sơn: Hiểu một cách đơn giản nhất, đó là việc dùng máy tính để mô phỏng hóa các quá trình suy nghĩ của con người, để thay thế cho con người trong việc phải suy nghĩ lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi đó, cũng có thể nói với AI, máy tính sẽ thay thế con người từ việc đơn giản cho đến việc phức tạp nhất.

Nếu con người sử dụng các giác quan và các thông tin của mình có để phân biệt hoặc giải quyết được vấn đề thì máy tính cũng có thể sử dụng các cảm biến tương tự giác quan của con người để giải quyết vấn đề đó.

TBKTSG: Kể cả việc tính toán và suy nghĩ của con người mà máy tính cũng có thể làm được thì đúng là việc phức tạp. Nhưng cũng có nghĩa, vai trò của con người đã bị quy về không?

- Thực ra, việc đầu tiên để phát triển AI là cần phải có ý tưởng và cơ sở cho việc thực hiện các ý tưởng đó. Muốn vậy, phải cần đến đội ngũ chuyên gia để đánh giá ý các tưởng, logic hóa toàn bộ quá trình suy nghĩ, các thông số đầu vào và đầu ra của mô hình và tính khả thi của nó. Sau đó, các nhà lập trình mới mô phỏng hóa toàn bộ quá trình trên một máy tính.

TBKTSG: Có vẻ rất gam go. Với các nước phát triển, đạt được thành tựu trong phát triển AI cũng không dễ dàng thì chắc các nước đang phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Việt Nam?

- Hiện tại, AI đã len lỏi vào sâu trong các nước như Nhật và nhiều nước phát triển khác. Bạn có thể bắt gặp một ứng dụng AI đơn giản như nhận diện khuôn mặt, xác định các vật thể, hay thậm chí bạn có thể trò chuyện với những cô, cậu người máy đặt trước cửa các trung tâm thương mại, ít nhất là các câu thoại đơn giản nhất bởi AI đã được sử dụng để nhận diện giọng nói và phản hồi. Thế giới hiện đại được kết nối. Đó là một điều rất may mắn. Nếu như trước đây, với các xu hướng phát triển khoa học, các nước đang phát triển thường tiếp cận sau, đợi các nước đi trước và nhận chuyển giao thì ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể bắt nhịp và đi cùng lúc ngay ở giai đoạn bắt đầu...

TBKTSG: Và với AI cũng sẽ như vậy...?

- Tôi có thế bắt đầu bằng câu chuyện cá nhân. Năm 2014, khi AI chưa được nhắc đến nhiều như bây giờ, các ứng dụng của AI còn rất hạn chế, lúc đó tôi cũng bắt đầu làm luận án tiến sĩ của mình về cơ điện tử và kết thúc bằng việc hoàn thành hai dự án về hệ thống hỗ trợ người lái của Toyota. Lúc đó, tôi đã phải tiếp tục nghiên cứu sâu về AI, khi nhận thấy tầm quan trọng của nó. Và quả thật, chỉ mới có vài năm AI đã phát triển sâu rộng và len lỏi vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều đó cho thấy, tốc độ phát triển của khoa học, đặc biệt là khoa học về AI, là rất thần tốc.

Chúng ta chắc sẽ không có thời gian để ngồi chờ. Có thể bắt đầu ở những mức độ đơn giản và tiệm cận dần, vì thực ra AI có nhiều loại, được chia theo mức độ phức tạp. Và một AI hoàn chỉnh là AI có khả năng ý thức và xử lý thông tin giống như não bộ của con người. Tuy nhiên, đây là điều đang được kỳ vọng. Phát triển AI trên thế giới chưa làm được điều này ở thời điểm hiện tại.

TBKTSG: Nhưng ông có tin là điều đó sẽ thành hiện thực?

- Đương nhiên để tiến tới được mức độ phức tạp như não bộ của con người khi xử lý thông tin chúng ta cần có nhiều thời gian và công sức. Thêm vào đó, các nhà khoa học cũng cần thêm thời gian để phát triển phần cứng trong việc sản xuất ra các cảm biến có tính chính xác cao, sử dụng được trong mọi hoàn cảnh, như những giác quan của con người, hoặc nghiên cứu các thuật toán mới mô phỏng các suy nghĩ của con người. Điều đó theo tôi là có thể. Quan trọng là vì khả năng ứng dụng AI rất lớn nên giới khoa học chắc chắn sẽ khó bỏ cuộc.

TBKTSG: Ứng dụng như thế nào, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn, đặc biệt là đối với Việt Nam?

- Cả về thực tiễn đã có lẫn dự báo tương lai, khả năng ứng dụng của AI là rất lớn. Và Việt Nam cũng rất cần. Trong nông nghiệp, có thể sử dụng AI để phân biệt các loại cây, cao hơn nữa là xác định bệnh tật cho chúng. Điều này cũng được tiến hành tương tự trong lĩnh vực y tế, như việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh đột quỵ thông qua các thông tin về nhịp đập của tim hay sử dụng các hình ảnh chụp chiếu để chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, AI cũng có thể sử dụng rất nhiều trong giao thông, đặc biệt là áp dụng trong xe tự lái. Bằng cách nhận diện các vật thể bên trong và bên ngoài xe, cách tính toán và dự đoán các chuyển động. AI có thể giúp xe tự động lái một cách thông minh như đang có người điều khiển. Trong sản xuất thì AI được dùng để tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa hay sử dụng AI vào các trang web để gợi ý sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng...

Tóm lại, có thể nói AI là một sản phẩm có khả năng ứng dụng và mức độ thành công rất cao. Đơn giản, như tôi đã nói, vì AI được tạo ra để mô phỏng lại suy nghĩ của con người.

TBKTSG: Để phát triển AI, Việt Nam cần gì, và theo đánh giá của ông thì có thể gặp những loại trở ngại gì?

- Để có thể tạo ra ứng dụng AI cho một lĩnh vực, chúng ta cần ý tưởng, chuyên gia trong lĩnh vực đó, cơ sở dữ liệu và cuối cùng là đội ngũ lập trình. Về ý tưởng, Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển và không thiếu những bộ óc thông minh trong việc giải quyết các vấn đề. Nhưng điểm yếu của Việt Nam là thiếu chuyên gia.

Hiện tại các ứng dụng AI của Việt Nam thường phát triển một cách tự phát theo suy nghĩ của một vài người không phải là chuyên gia trong các lĩnh vực được phát triển. Trong khi, sự tham gia của các chuyên gia là rất cần thiết để xác định phần cốt lõi của một vấn đề trước khi tiến hành lập trình, đặc biệt là xác định các thông số đầu vào, đầu ra, sử dụng thuật toán nào trong quá trình xử lý dữ liệu, như machine learning, deep learning hay neural network...

Ngoài ra, dữ liệu cũng là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất khi xây dựng một ứng dụng của AI. Hiện tại chúng ta có thể sử dụng một số nguồn dữ liệu mở, dữ liệu lớn, gọi là big data, của thế giới để thực hiện quá trình đào tạo cho máy, được gọi là train. Nhưng nếu như vậy mãi thì các ứng dụng về AI của Việt Nam cũng chỉ có thể phát triển ở mức cầm chừng như hiện nay với việc sử dụng các dữ liệu được chia sẻ, hầu hết là hình ảnh.

Trên thực tế, cũng có một số dữ liệu khác từ các công ty, các trang web nhằm sử dụng AI để tối ưu hóa các hệ thống. Nhưng để AI phát triển hơn nữa, chúng ta cần các công nghệ về cảm biến để tự thu thập dữ liệu và lấy dữ liệu để thực hiện quá trình phát triển một ứng dụng AI, nhất là những ứng dụng trực tuyến sử dụng Internet vạn vật để thu thập dữ liệu.

TBKTSG: Vậy thì ông dự báo thế nào về khả năng phát triển AI của Việt Nam trong tương lai?

- Câu chuyện lại rất thú vị ở chỗ, có rất nhiều ứng dụng AI ở các nước được lập trình tại Việt Nam. Hiện tại các công ty chuyên về AI cũng đang hướng tới Việt Nam như một thị trường tiềm năng với những lập trình viên có chất lượng cao. Nhưng những ứng dụng về AI ở Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu là việc sử dụng AI để nhận diện người, nhận diện chữ viết, nhận diện các loại xe, biển số xe, tối ưu hóa các hệ thống vận chuyển hàng hóa...

Là chuyên gia về các hệ thống hỗ trợ người lái trên ô tô và đã có nhiều thời gian làm việc với các ứng dụng của AI, tôi cho rằng Việt Nam có thể làm được nhiều hơn thế nữa. Với đội ngũ lập trình viên được đánh giá cao, và đặc biệt là ngày càng có nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực hướng về Việt Nam, nếu có sự kết nối tốt, tiềm năng để sử dụng AI ở Việt Nam là rất lớn.

Tiến sĩ Lê Anh Sơn tốt nghiệp đại học năm 2007 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên ngành Cơ khí Động lực. Năm 2012, ông hoàn tất khóa học thạc sĩ tại trường Đại học Hiroshima - Nhật Bản, chuyên về giao thông và các hệ thống thông minh trong giao thông theo Chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực của Nhật Bản (JDS).

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Cơ điện tử tại Đại học Nagoya, Nhật Bản theo học bổng của trường vào năm 2017, ông tiếp tục được giữ lại theo chương trình postdoc. Với nhiều đóng góp trong nghiên cứu, ông được chuyển sang vị trí Assisstant Proffesor tại Trung tâm Sáng tạo của Đại học Nagoya từ tháng 4-2018.

Phan Nhật

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/285973/phat-trien-ai-khong-co-thoi-gian-de-ngoi-doi-cac-noi-di-truoc.html