Phát triển 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 6-7, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, thời gian qua Bộ cùng với các doanh nghiệp công nghệ huy động gần 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin phát triển trên 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, để truy vết, giám sát cách ly, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có đủ bộ giải pháp từ mức nhà mạng, mức trạm thu phát sóng, mức sử dụng định vị vệ tinh GPS đến mức theo dõi tiếp xúc gần dưới 2m dùng Bluetooth.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã ra mắt 12 nền tảng và hàng trăm ứng dụng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận hội nghị.

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, lĩnh vực báo chí tuyên truyền đã thực sự trở thành một trong những lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch, đã đăng tải tổng số gần 600.000 tin, bài về dịch Covid-19. Mỗi ngày có 700-1.000 tin trên báo chí, thu hút 20-30 triệu lượt đọc. Các giá trị của báo chí được thể hiện rất rõ nét như thông tin được chứng thực, đưa thông tin hướng dẫn phòng, chống dịch và đưa thông tin vì lợi ích cộng đồng.

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc đưa 211 dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ 100%) thuộc thẩm quyền của mình lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 tập trung trên Cổng dịch vụ công của Bộ tại địa chỉ https://dichvucong.mic.gov.vn.

Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu như 6 tháng đầu năm là kiểm soát đại dịch, thì 6 tháng cuối năm là bứt phá vươn lên. Toàn ngành cần tập trung 6 định hướng cụ thể: Bưu chính trở thành hạ tầng mạng lưới bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu; viễn thông trở thành hạ tầng số, gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây; ứng dụng công nghệ thông tin trở thành chuyển đổi số; an toàn thông tin với sứ mệnh làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng; công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) với sứ mệnh "Make in Vietnam"; báo chí truyền thông với sứ mệnh khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu 8 việc trọng tâm cần làm ngay. Trong đó, các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của bộ, ngành và địa phương tham mưu cho các bộ ngành và địa phương ra nghị quyết chuyên đề của cấp ủy và chiến lược chuyển đổi số của cấp chính quyền, ngay trong năm 2020. Các bộ, ngành và địa phương đặt mục tiêu đưa dịch vụ công lên trực tuyến đạt 100% mức độ 4, chậm nhất là năm 2021. 100% địa phương triển khai trục kết nối liên thông dữ liệu. 100% các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan chính quyền phải thực hiện bảo vệ 4 lớp ngay trong năm 2020...

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai các giải pháp công nghệ số phòng, chống dịch Covid-19.

Châu Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/971974/phat-trien-20-ung-dung-phuc-vu-phong-chong-dich-covid-19