Phạt tiền người bán đồ ăn chín không đeo găng tay: Quan trọng vẫn là ý thức

Ngày 20/10 tới đây, những người bán thức ăn nhưng không che đậy ngăn chặn bụi bẩn, bán thức ăn chín không đeo găng tay sẽ bị phạt. Kể từ khi thông tin xử phạt được đưa vào thực hiện đã nhận được sự ủng hộ của người bán lẫn người mua. Bởi theo người dân, đây là một việc làm quan trọng để hạn chế tình trạng mất an toàn thực phẩm như hiện nay.

Cụ thể, theo Nghị định 115/2018, mức xử phạt với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố có thể lên tới 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mức phạt này sẽ được áp dụng với một trong các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố,...

Từ 20/10, những người bán thức ăn chín không đeo găng tay sẽ bị phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Khảo sát tại các khu phố, các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, dễ dàng nhận thấy điểm chung ở hầu hết các quán bán thực phẩm chín là quá trình sử dụng tay không vẫn đang diễn ra thành vòng tròn xuyên suốt. Người bán hàng vừa chế biến thực phẩm, thức ăn cho khách, vừa thu, trả tiền, lau bàn và cứ thế tiếp diễn mà không biết đến sự tồn tại của găng tay nilon.

Đáng nói, chính những hành động đó là nguyên nhân, mầm mống gây ra các căn bệnh ung thư với số lượng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện nay có khoảng 70 % số thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả,…

Trước thực trạng mất an toàn thực phẩm vốn vẫn đang tồn tại từ lâu nay, với mức xử phạt được quy định cụ thể tại Nghị định 115, đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ quy định này. Họ mong muốn mức xử phạt sẽ được triển khai rộng khắp không chỉ ở các thành phố lớn mà hầu hết các vùng quê nông thôn.

Cô Trịnh Thị Thu (Mỹ Đức – Hà Nội) chia sẻ: “Nếu thực hiện xử phạt đúng theo Nghị định thì chúng tôi rất vui, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Mong rằng các cấp chính quyền sẽ giám sát, kiểm tra để xử phạt nghiêm những người bán hàng còn vi phạm. Đặc biệt ở các vùng quê luôn là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm lớn nhất. Bởi ở thành phố vẫn được các đoàn kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm, giám sát,.. còn ở quê như chúng tôi cả năm cũng không có đoàn nào kiểm tra và dân muốn kêu cũng không biết phải phản ánh với ai”.

Đồng quan điểm, anh Phan Văn Sơn (Hà Đông) cho hay: Quy định này nên làm từ lâu rồi chứ không phải đợi tới bây giờ. Trước giờ vẫn có những người bán hàng đeo găng tay nhưng cũng có người không biêt đến việc sử dụng găng tay trong lúc chế biến, lấy đồ ăn cho khách. Hy vọng sau quy định này, người bán hàng sẽ thực hiện đồng loạt thay vì việc tự phát, nhỏ lẻ như trước.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng: Quy định đưa ra chưa thật chặt chẽ và vẫn còn hình thức. Không phải cứ đeo găng tay là an toàn, trên thực tế thậm chí không đeo găng tay nhưng nếu họ tuân thủ tốt các quy trình vẫn đảm bảo an toàn. “Quy định đó là một dạng quy định mang tính hình thức mà không trực tiếp, dễ dẫn đến không có tác dụng, không có khả năng thực thi.

Nếu đã quy định thì cần rõ ràng hơn, găng phải sử dụng một lần, không bị thủng,... Nhưng để kiểm tra những yếu tố đó cơ quan chức năng cũng sẽ gặp khó khăn. Khi quy định triển khai, người bán sẽ không để bị phạt, cuối cùng để tuân thủ quy định họ sẽ thực hiện bằng cách đối phó”, PGS Thịnh chia sẻ.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, việc đeo găng tay phải được thực hiện bằng sự tự giác. Do đó, quan trọng hãy giáo dục cho người dân tự giác rằng họ phải đeo găng tay dùng một lần để đảm bảo vệ sinh, nâng cao uy tín của nhà hàng, cần nâng cao ý thức cộng đồng. Chứ dùng quy định biện pháp xử phạt để bắt buộc thì thất bại đặc biệt quy định này vẫn còn lỏng lẻo thiếu chặt chẽ, chưa cụ thể.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-tien-nguoi-ban-do-an-chin-khong-deo-gang-tay-quan-trong-van-la-y-thuc-80955.html