Phạt tiền một cách cứng nhắc, máy móc sẽ làm méo mó môi trường giáo dục!

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp… nên được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức, văn hóa hơn là được 'luật hóa' bởi các quy định, chế tài. Nếu hành vi nào cũng quy ra mức tiền để xử phạt sẽ làm méo mó hình ảnh người thầy, cũng như môi trường giáo dục.

Hành vi đánh người học bị phạt tiền gây tranh cãi trong dư luận những ngày qua.

Cần ưu tiên biện pháp giáo dục

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28.9. Văn bản này sau khi hoàn thiện sẽ được thông qua, thay thế cho Nghị định số 138 năm 2013.

Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về một số quy định trong dự thảo nghị định. Đặc biệt là các quy định liên quan đến việc phạt tiền các hành vi xúc phạm danh dự, thân thể nhà giáo và người học, với số tiền từ 10-30 triệu đồng.

Chia sẻ quan điểm về dự thảo nghị định này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng, việc đưa ra mức tiền phạt cao có tác dụng ngăn chặn kịp thời các tiêu cực. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, không phải hành vi sai phạm nào cũng nên “đè” ra phạt tiền.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội.

“Quan điểm của tôi là một khi có ai vi phạm thì đầu tiên phải dùng biện pháp giáo dục. Nếu giáo dục lần thứ nhất, thứ hai không thay đổi thì tính bước tiếp theo.

Trong lĩnh vực giáo dục, do tính chất đặc thù, nhiều mối quan hệ trong nhà trường được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức. Những vấn đề đạo đức được cân đo bằng tiền có thể làm hình thành suy nghĩ cứ vi phạm thì nộp tiền là xong. Điều này sẽ là nguy hiểm với môi trường đặc thù như giáo dục.

Đối với nhà trường phải áp dụng giáo dục trước tiên, ngay cả với giáo viên, học sinh và phụ huynh”- TS Lâm chia sẻ.

Dự thảo Nghị định có nhiều quy định chồng chéo, không khả thi

Theo thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, mục đích của việc đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục là tăng tính răn đe, phòng ngừa là chính. Tuy nhiên, nhiều quy định trong dự thảo chồng chéo với các quy định hiện hành.

Hiện Bộ GDĐT đã có Quyết định 16/2008 “Quy định về đạo đức nhà giáo”. Luật Giáo dục 2015 dành hẳn chương IV với 13 điều quy định về “Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo”, các hành vi sai phạm khác đều đã được quy định trong Luật Dân sự, Luật Hình sự…

Đồng quan điểm, thạc sĩ-luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) - cho rằng, trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có rất nhiều nội dung chưa phù hợp như đã 'hành chính hóa' các giá trị đạo đức. Một số hành vi nên để đạo đức điều chỉnh hoặc áp dụng xử lý bằng kỷ luật công chức, viên chức.

Có một số nội dung trong dự thảo lại có xu hướng 'hành chính hóa' quan hệ hình sự, gây ra sự mâu thuẫn, chồng chéo.

Ví dụ, một số hành vi vi phạm quy chế thi trong kỳ thi quốc gia như sửa bài thi, sửa điểm thi, làm sai lệch kết quả… là hành vi vi phạm pháp luật hình sự đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định của Bộ GDĐT lại quy định là xử phạt hành chính.

“Một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Nếu hành vi vi phạm đã bị xử lý hành chính thì sẽ không bị xử lý hình sự đối với hành vi đó và ngược lại.

Vì vậy, cùng một hành vi vi phạm nhưng có tính chất mức độ như nhau thì không thể tùy tiện áp dụng hành chính hay hình sự.

Dự thảo lần này cần phải có sự đóng góp ý kiến trí tuệ của các chuyên gia pháp luật và các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thì mới có tính khả thi, không gây chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản khác” - luật sư Cường nhấn mạnh.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/phat-tien-mot-cach-cung-nhac-may-moc-se-lam-meo-mo-moi-truong-giao-duc-634268.ldo