Phạt tiền khi tập thể thao khiêu dâm: Không dễ phạt?

Nhiều giáo viên dạy Dance pport bày tỏ sự băn khoăn trước quy định xử phạt hành vi sử dụng bài tập, môn thể thao mang tiếng khiêu dâm, đồi trụy.

Nghị định 46/2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ tiến hành xử phạt hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Thông tin này đã nhận được nhiều tranh cãi của dư luận, nhất là những người tham gia trong lĩnh vực Dance sport.

Trao đổi với PV chiều 1/8, anh Cao Đăng Khoa - Giáo viên dạy dance Sport tại Trung tâm dạy khiêu vũ Tạ Quang Bửu (Trung tâm HiGhdance, Hà Nội) bày tỏ, bản thân ủng hộ việc xử phạt nhưng anh nhìn nhận, việc này hơi khó xử lý và còn nhiều điểm khó để xác định yếu tố khiêu dâm.

Theo anh Khoa, việc biểu diễn hay thể hiện việc khiêu dâm, đồi trụy đôi khi được thực hiện ở trong phòng kín, do vậy việc phát hiện và xử phạt không dễ dàng.

Hơn nữa, quan niệm khiêu dâm rất khó xác định, giới hạn giữa khiêu dâm và không khiêu dâm rất mong manh. Chẳng hạn như múa cột cũng là một môn học, nhưng đây có phải là khiêu dâm không?

Múa cột có phải khiêu dâm? Ảnh internet

Múa cột có phải khiêu dâm? Ảnh internet

"Nhiều khi nghệ thuật trong Dance sport cần khoe cơ thể. Khi thể hiện và mở rộng cơ thể lại thể hiện một trạng thái cảm xúc của con người, hoặc khi thể hiện một tình huống trong kịch bản bài múa rất khó.

Nếu so sánh với các nước tiên tiến, chẳng hạn như khi trình diễn dance sport người ta có thể mặc những đồ rất hở, chẳng hạn như mặc hoàn toàn bikini, hoặc mặc váy ngắn nhưng bên trong chỉ mặc 1 chiếc quần nhỏ. Còn ở mình thì mặc 1 chiếc quần đùi phía trong trông rất xấu.

Nhiều người nói rằng, mặc chiếc quần nhỏ bên trong là sexy, vậy đó có phải là khiêu dâm hay không? Ở những cuộc thi lớn họ đều mặc quần nhỏ, nếu nói rằng đó là khiêu dâm thì cũng không đúng", vị giáo viên Dance Sport phân tích.

Ngoài ra, theo anh Khoa, còn một bộ môn khác rất đáng chú ý và có thể nhận được nhiều tranh cãi đó là múa thoát y vũ.

Điệu múa này hay được sử dụng trong các quán bar, vũ trường. Khi trình diễn điệu múa này tại đây thì chắc chắn là khiêu dâm nhưng khi các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu thì có phải là khiêu dâm không? Nếu nói là có thì chẳng nhẽ phải cấm cả bộ môn này. Còn nếu nói không thì như nào mới là khiêu dâm?

Do đó, anh Khoa cho rằng, không thể đưa ra quy định một cách chung chung mà cần phải ghi rõ từng trường hợp để cho mọi người biết rồi tránh và không phải bị oan.

Ví dụ như múa cột, múa khỏa thân trong quán bar là khiêu dâm, hoặc hở bao nhiêu phần trăm cơ thể là khiêu dâm? Hay nếu mặc bikini nhưng không mặc áo con bên trong thì gọi là khiêu dâm,...? Phải quy định rất cụ thể như vậy thì mới có chế tài và xử lý một cách dễ dàng được.

Đồng quan điểm, anh N.T.H - một giáo viên Dance sport tại một trung tâm tại quận Đống Đa (Hà Nội) nhìn nhận, việc đưa ra luật là đúng nhưng không thể quy định một cách chung chung sẽ làm cho xã hội phản ứng không hay.

Tuy nhiên, theo vị giảng viên, có một điểm trong quy định anh cho rằng không cần thiết, đó là việc xử phạt với cả những người đi tập luyện thể dục thể thao. Theo anh H. chỉ nên xử phạt với những người tham gia thi đấu hay biểu diễn ở những nơi đông người.

"Những người đi tập luyện họ cũng không giống như những người đi tắm ngoài bãi biển, họ không trình diễn cho công chúng nên đó là quyền cá nhân của họ.

Còn trong dance sport có những đặc thù như nhảy đôi, múa cột hay trang phục biểu diễn phải có những đặc thù, nếu ăn mặc kín đáo sẽ làm giảm giá trị nghệ thuật", anh H. chia sẻ.

Tuy nhiên, anh H. cũng cho rằng, nếu xác định được chính xác hành vi khiêu dâm, đồi trụy thì việc xử phạt là hoàn toàn hợp lý.

Hoàng Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/phat-tien-khi-tap-the-thao-khieu-dam-khong-de-phat-3384893/