Phát thanh: Nghe là thấy

Nghĩ và nhớ lại vài chuyện để vẫn không thay đổi quan niệm: Phát thanh chính là không gian hiệu ứng, nơi ta nghe để nhìn thấy...

Mới vào Đài vài năm, tôi may mắn được gặp một nhà báo phát thanh nước ngoài. Cuốn hộ chiếu của ông kín đặc dấu nhập cảnh.

Ông sang Việt Nam thực hiện một vài phóng sự điền dã. Ấn tượng về ông là những phóng sự đầy âm thanh và lời khuyên dành cho những phóng viên "thò lò mũi xanh" như tôi: "Bạn nên sử dụng micro như một chiếc camera".

Kể từ đó, tôi tò mò đi tìm đôi mắt thần trong chiếc máy ghi âm nặng trịch như cục gạch. Chỉ là chiếc máy ghi âm thuần túy nhưng sẽ là một chiếc hộp kỳ diệu với những ai yêu và tin cậy nó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vài năm sau, trong một chiều cuối năm nhiều bịn rịn, tôi gặp Nụ, nhân vật của tôi trong một phóng sự xã hội ghi lại những mảnh số phận lang thang kiếm sống nơi đô thị. Nụ không đủ trang trải cho một cái Tết. Em đành nán lại xóm trọ nhiều bóng tối và bụi bặm. Nụ bật khóc trong câu chuyện với tôi. Tiếng khóc thấm vào chiếc máy ghi âm, lúc nấc nghẹn, thổn thức, lúc nín chặt...

Một phóng sự với cái mở đầu bằng tiếng khóc. Ông bạn báo giấy nghe được trên radio ngậm ngùi chấp nhận "thua" cái thế mạnh không cần văn vẻ của phát thanh: "Tôi biết tả sao đây về tiếng khóc của Nụ". Tôi thì lặng lẽ cảm ơn tiếng khóc của em đã mở trong tôi một lối đi cho nghề: Nghe hết thảy những va đập cuộc sống. Một tiếng nói, một tiếng than, một sự run rẩy, hay những nỗi hân hoan có giá trị hơn nhiều những câu văn đưa đẩy, bóng bẩy, những lời lẽ đao to búa lớn.

Khi mình đã bắt đầu già, những chuyến đi thưa dần, xung quanh tôi, những bạn trẻ VOV2 vụt lớn, lại bắt đầu hành trình khám phá những rung động từ chiếc micro. Khi nhiều bạn vẫn còn ra rả lối "phát thanh hóa" báo viết, thì cũng đã có bạn bắt đầu "viết" bằng micro tại hiện trường với âm thanh, tiếng động trung thực.

Thời điểm đó, một bạn trẻ trên hành trình chinh phục Fansipan đã mang về làn sóng VOV một phóng sự đầy "hình ảnh" gập ghềnh của núi non, của những giọt mồ hôi chinh phục, của những bước chân và nụ cười kiêu hãnh. Không hình ảnh, chỉ âm thanh mà tràn cảnh sắc. Một cuộc chơi âm thanh đáng nể của một phóng viên trẻ. Người ủng hộ, người còn dè dặt nhưng tựu trung vẫn đều xác nhận về một cách làm phát thanh hấp dẫn. Đó vẫn là báo chí, trung thực, thô rám nhưng không kém phần gợi cảm. Không nhiều lời, không văn vẻ, nó có hơi thở đời sống, và cả những tiết điệu của một bài thơ.

Gần đây, cũng một bạn trẻ trong những đêm mất ngủ lắng nghe được nhịp điệu của tiếng giọt nước tí tách, tiếng lũ mèo gọi nhau, tiếng ngáy của người đàn ông hàng xóm, tiếng rinh rích của loài chuột đêm... Bạn bừng dậy mở micro ghi lại như một nỗi cơn cớ rất nghề nghiệp. Một phản xạ mang tính tư duy âm thanh như thế thật cần cho những nhà báo phát thanh.

Nhưng cũng cần cẩn trọng! Âm thanh, tiếng động sẽ là một người bạn nếu bạn tôn trọng và ứng xử chuẩn mực. Tôi đã từng nghe những phóng sự điền dã được "dụng công" dàn dựng pha âm lại. Tiếng động nhiều mà sao thấy nó xa lạ và khiên cưỡng. Người biên tập đã pha âm quá liều lượng và không đúng âm thanh hiện trường.

Giống có một dạo, nhiều bạn ưa làm tọa đàm giả, thu nhiều phát biểu từ nhiều nguồn khác nhau, ghép lại bắt những người chưa từng gặp nhau ngồi trong một không gian phát thanh tưởng tượng. Chưa kể có những phát biểu oang oang trên sân khấu. Về mặt âm học mà nói khi ngồi tiếng nói cơ bản sẽ khác khi đứng, nhất là trên sân khấu lớn. Người biên tập đó đã sai lầm khi ứng xử "thô bạo" với tiếng động. Cần hiểu là cuộc sống thế nào tiếng động sẽ như thế ấy. Đó là phiên bản của cuộc sống.

Nghĩ và nhớ lại vài chuyện để vẫn không thay đổi quan niệm: Phát thanh chính là không gian hiệu ứng, nơi ta nghe để nhìn thấy.../.

Trần Nhật Minh/VOV2

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/phat-thanh-nghe-la-thay-591879.vov