Phạt quỳ - vì sao giáo viên bất lực trước học trò?

Hiện cô giáo Lê Thị Quy, giáo viên lớp 9B Trường Tiểu học Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) đang bị đình chỉ công tác một tuần vì bắt học sinh quỳ do lỗi nói chuyện. Xung quanh sự việc này có nhiều ý kiến trái chiều… Còn cô giáo Quy chia sẻ cảm thấy bất lực với học sinh của lớp, dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau nhưng không mấy hiệu quả.

Hình ảnh phạt quỳ gây tranh cãi

Hình ảnh phạt quỳ gây tranh cãi

Ý kiến trái chiều

Theo cô giáo Quy, thông thường, sau khi học sinh mắc khuyết điểm, cô sẽ thông báo tới gia đình và mời phụ huynh đến trường trao đổi. Ngoài động viên, nhắc nhở, cô Quy cũng áp dụng các hình phạt như quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa.

Cô cảm thấy bất lực với học sinh của lớp, dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau nhưng không mấy hiệu quả. “Có nhiều giờ giáo viên bộ môn cũng phản ánh không thể dạy được. Nói chuyện có, tâm sự có! Nhưng các em vẫn không nghe”. Đặc biệt, trong lớp có 5 học sinh dù đã được cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng ý thức và sự tiến bộ rất chậm.

Trước đó, ngày 10/5, mạng xã hội lan truyền hình ảnh học sinh ở Thường Tín (Hà Nội) quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm đơn kiến nghị của phụ huynh. Theo phản ánh, cô Lê Thị Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) đã phạt 2 học sinh vi phạm quy định của lớp bằng hình thức quỳ gối trên bục giảng. Một học sinh không chấp nhận quỳ nên đã bị đuổi ra khỏi lớp.

Liên quan đến sự việc trên, một luồng quan điểm bênh vực cô giáo rằng, miễn học sinh ngoan, còn hình phạt nào không quan trọng. Thời nay, “con vàng, con bạc”, giáo viên đi dạy học, áp lực trăm bề. Ngày xưa, học sinh đi học sợ giáo viên, còn bây giờ ngược lại, nhiều khi giáo viên sợ học sinh, sợ cả phụ huynh.

Phạt những em quá hư để em chịu khó học hành. Nhưng nếu phạt thì phụ huynh lại khiếu nại, kiện cáo. Không phạt, buông xuôi thì cuộc đời các em sẽ đi về đâu? Nhiều người biện lý do rằng, xưa họ cũng bị phạt quỳ, nhưng chính nhờ những lần phạt ấy mà họ nên người. Và cả đời nhớ về thầy cô với lòng trân quý, biết ơn.

Một luồng ý kiến khác cho rằng, bắt học sinh quỳ là việc làm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của học sinh và giáo viên không được phép làm. Phần đa phụ huynh bày tỏ sự không đồng ý với cách giáo dục phản giáo dục như tát, bắt học sinh quỳ khi mắc lỗi. Và hình thức phạt quỳ cũng không còn phù hợp với cuộc sống hôm nay. Thay vào đó, là những biện pháp truyền thống như chép phạt bài, làm kiểm điểm, đứng góc lớp, trực nhật… chứ nhất định không phải phạt quỳ.

Cái quỳ của tự nguyện, yêu thương và biết ơn

Bày tỏ quan điểm về việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng khẳng định đây là hành vi không thể chấp nhận được. Theo luật sư Thơm, về mặt pháp luật hành vi này đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người.

Tuy nhiên, ở trường hợp này, việc xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” là khó vì chưa gây hậu quả nghiêm trọng gì. Tuy nhiên, cần phải xử lý kỷ luật giáo viên đã áp dụng hình thức phản giáo dục này bởi đã tạo áp lực, chấn động tinh thần không hề cho học sinh.

Hiện nay việc kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh bao gồm: khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ và đuổi học 1 năm.

Trong 5 hình thức kỷ luật nói trên thì chỉ có hình thức “khiển trách trước lớp” là thuộc thẩm quyền của giáo viên, 4 hình thức kỷ luật còn lại do Hội đồng kỉ luật nhà trường xét đề nghị, Hiệu trưởng quyết định và thực hiện.

Như vậy trong các hình thức kỷ luật học sinh không có hình thức nào là bắt quỳ hay đuổi ra khỏi lớp. Việc buộc học sinh không được tiếp tục theo học phải tuân theo trình tự, thủ tục và do người có thẩm quyền thực hiện (Hiệu trưởng) theo quy định của Thông tư trên.

Và những ngày này, các nhà trường đang tổ chức lễ tri ân, tổng kết năm học, nhiều người liên tưởng tới những cô cậu học trò lần đầu tiên trong đời quỳ gối rửa chân cho cha mẹ mình! Nhưng đó là cái quỳ của tự nguyện, yêu thương và biết ơn!

Hơn bao giờ hết, phạt quỳ trước lớp, trước các bạn cho những lỗi không quá trầm trọng luôn là điều phản cảm. Bởi thầy cô, khi hết lòng, tận tụy với học sinh, sẽ luôn có những biện pháp mà các em cảm nhận được mình sẽ cố gắng, nỗ lực và thay đổi. Giống như các bạn ấy vì yêu quý thầy cô mà sẽ yêu quý môn học. Chứ không phải là kỷ luật cứng nhắc và phản cảm, dù cô có được phụ huynh “nhờ”…

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/phat-quy-vi-sao-giao-vien-bat-luc-truoc-hoc-tro-452356.html