Phát phiếu 'điều tra' về 231 cái tát, nhà trường có mục đích gì?

Vụ việc 231 cái tát hình phạt dành cho học sinh nói tục của trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) tiếp tục 'nổi sóng' dư luận khi vừa qua, nhà trường tiến hành lấy phiếu điều tra học sinh. Dân Việt đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc về sự việc này.

Nhà trường có mục đích gì?

"231 cái tát với một bảng dài phiếu tra hỏi cho học sinh là một cái tát lớn cho ngành giáo dục. Đây không còn là hành động bộc phát mà trở thành những hành động dã tâm, ác. Hàng trăm cái tát phải kéo dài cả vài giờ đồng hồ, bắt và ép buộc cả nữ sinh hành động bạo lực với bạn học và cô giáo kết thúc bằng cái khóa đuôi ở con số 231.

Một người có thể nóng giận và hành động sai nhưng chỉ xảy ra tức thì rồi tỉnh lại và nhận ra đã hành động dại dột, ân hận. Còn đây là cả tập thể, nhà trường với bao nhiêu con người, người này sai sẽ có người khác hiểu để phân tích, nhìn nhận ra sự việc để sửa sai.

Thế nhưng, sự sửa sai của nhà trường là xoáy sâu thêm vào nỗi đau của các học sinh cùng cô Thủy. Trong sự việc 231 cái tát có thể là sự bộc phát nhưng tờ giấy tra hỏi học sinh của trường THCS Duy Ninh không phải là hành động nóng nảy nữa. Vậy nhà trường có mục đích gì sau những tờ khai ấy? Phải chăng nhà trường đang muốn thể hiện sự trong sạch, minh bạch, công bằng của mình?"

(Bạn đọc Cao Xuân Bách - Hà Nội

Rất nhiều phản hồi của bạn đọc gửi về Dân Việt. Ảnh: Chụp màn hình

Sai lại càng sai

"Khi sự việc xảy ra, thay vì cùng nhau giải quyết để giải tỏa dư luận thì chính cô hiệu trưởng yêu cầu báo chí không đưa tin - vì trường chuẩn bị nhận danh hiệu. Nay cô tiếp tục làm tổ chức "lấy lời khai" mấy đứa trẻ mới hơn 10 tuổi.

Các em đã biết gì về câu hỏi của nhà trường, câu hỏi có ý "gài" mấy em, trả lời đúng cũng "dính", trả lời sai cũng "chết", liệu có bị "gợi ý" khi trả lời kiểu "điều tra" trắc nghiệm này không? Cái gì nói là các em khách quan, trung thực khi mà các em không có người giám hộ (bởi lúc này cô giáo đang là "người điều tra" và "đối tượng bị điều tra" thì tư cách giám hộ của nhà trường đương nhiên bị mất). Hơn nữa, bới lại làm gì nỗi đau của các em, của chính cô T. bằng cách đó".

(Bạn đọc Tú Linh - Yên Bái)

Đừng gây thêm tổn thương cho học sinh

"Thực tế đã diễn ra sự việc cô giáo phạt học sinh nói tục bằng 231 cái tát, học sinh đã quá tổn thương vì những hành động đó. Sau đó, cô giáo sai phạm cũng đã xin lỗi, những hình thức kỷ luật cùng các áp lực dư luận đã khiến cho cô giáo và gia đình chịu đựng trong thời gian qua có lẽ là một bài học lớn.

Đáng lẽ việc cần làm giờ đây là xoa dịu đi những tổn thương kia để các em học sinh ổn định tinh thần tiếp tục học tập thì nhà trường lại làm 1 bản "lời khai" với học sinh để "điều tra lại" sự việc.

Một lần nữa, sự việc này lại được xới lên không thương xót và sự tổn thương, sợ hãi thêm một lần xoáy sâu vào tâm hồn các em. Vì vậy xin hãy dừng lại đi! Hãy trả lại cho trẻ những năm tháng tuổi thơ trong sáng đúng nghĩa!"

(Bạn đọc Thanh Đức- Hà Nội)

Bảo Ngọc

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/phat-phieu-dieu-tra-ve-231-cai-tat-nha-truong-co-muc-dich-gi-936151.html