Phạt nguội vi phạm về môi trường qua camera: Cần quy định thống nhất

Hiện nay, nhiều địa phương đã lắp đặt camera để giám sát tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông. Nhiều camera đã ghi lại rõ các hành vi vi phạm về môi trường như: tiểu tiện, xả rác ra nơi công cộng. Tuy nhiên, gần như chưa có địa phương nào mạnh dạn “phạt nguội” các hành vi vi phạm được ghi lại qua camera vì luật chưa có quy định cụ thể.

Nhiều địa phương đề xuất bổ sung quy định được sử dụng hình ảnh từ camera, điện thoại thông minh để xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong ảnh: Người có hành vi xả rác ra nơi công cộng được người dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) ghi lại bằng điện thoại thông minh. Ảnh: M.Thành

Nhiều địa phương đề xuất bổ sung quy định được sử dụng hình ảnh từ camera, điện thoại thông minh để xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong ảnh: Người có hành vi xả rác ra nơi công cộng được người dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) ghi lại bằng điện thoại thông minh. Ảnh: M.Thành

* Còn vướng do quy định

Hiện nay, để xử phạt vi phạm về môi trường (chủ yếu là xả rác), UBND các địa phương thường áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 155) ngày 18-11-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nhưng phần lớn chỉ xử phạt “nóng” với các hành vi bắt quả tang, còn để xử phạt qua hình ảnh từ camera lại gặp vướng mắc.

Phó chủ tịch UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) Vũ Văn Chiêu kiến nghị cần bổ sung quy định cho sử dụng hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Đây là biện pháp để người dân tự giám sát nhau, để người dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường chung và tự điều chỉnh hành vi của mình.

Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh phân tích, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7 của Nghị định 155 quy định rõ, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 165/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 165) ngày 12-11-2013 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, Điều 9, Nghị định 165 lại quy định, phương tiện ghi hình phải đạt chuẩn; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi được phê duyệt của người có thẩm quyền, ít nhất từ trưởng công an cấp huyện trở lên. Do đó, muốn sử dụng hình ảnh để xử phạt theo Nghị định 155 thì phải trích xuất từ các camera đạt chuẩn theo quy định.

Chủ tịch UBND P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) Triệu Trung Tính cho hay: “Chính vì quy định nêu trên nên địa phương chưa thể xử phạt đối với các hành vi vi phạm được phát hiện từ camera dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Do đó, tôi đề xuất bổ sung quy định được áp dụng hình ảnh từ camera, điện thoại thông minh để xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường được quy định tại dự thảo sửa đổi Nghị định 155 đang được lấy ý kiến đóng góp”.

* Cần tận dụng hình ảnh nhiều nguồn

Cùng là xử lý vi phạm hành chính, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã linh động sử dụng các hình ảnh từ nhiều nguồn cung cấp, trong đó một phần không nhỏ là từ người dân ghi lại qua điện thoại thông minh (theo Khoản 11, Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). Lấy cơ sở từ hình ảnh camera người dân cung cấp, lực lượng chức năng đã tìm kiếm thêm thông tin, đấu tranh với người vi phạm để họ thừa nhận hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Ông Vũ Bộ (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) thắc mắc: “Vì sao xe vi phạm giao thông có thể phạt được qua hình ảnh camera mà người xả rác, gây ô nhiễm môi trường lại không thể. Dựa vào các nghị định trên thì rõ ràng đang có sự không đồng nhất trong việc sử dụng hình ảnh camera để “phạt nguội” các hành vi vi phạm hành chính, chưa tận dụng được hình ảnh ghi lại do người dân cung cấp”.

Một số UBND phường ở TP.Biên Hòa cho rằng, để xử phạt người xả rác, ngoài việc có hành lang pháp lý thống nhất quy định sử dụng hình ảnh thì cần thêm quy định phối hợp giữa cơ quan công an và các cơ quan khác để tìm ra người xả rác khi đã có hình ảnh ghi nhận lại.

Phó chủ tịch UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) Vũ Văn Chiêu cho rằng, các hành vi vi phạm về môi trường diễn ra nhanh, tức thì trong khi lực lượng kiểm tra còn thiếu nên khó bắt quả tang người vi phạm nên cần công nghệ phân tích hình ảnh để nhận diện người vi phạm. Đây là một trong những cơ sở rất quan trọng khi xử phạt hành chính trên lĩnh vực môi trường. Như vậy mới mang tính răn đe, góp phần hạn chế tình trạng xả rác ra nơi công cộng vẫn còn xảy ra trên địa bàn thành phố. Do đó, để có hành lang pháp lý vững chắc và pháp luật được áp dụng thống nhất thì việc bổ sung quy định sử dụng hình ảnh làm một trong các căn cứ để xử phạt là cần thiết.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202005/phat-nguoi-vi-pham-ve-moi-truong-qua-camera-can-quy-dinh-thong-nhat-3001878/