Phạt nguội thật nặng để răn đe

Ngoài nguyên nhân hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông nên thường xảy ra ùn, tắc vào khung giờ cao điểm tại các quận nội đô phải kể đến nguyên nhân 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi' là ý thức người tham gia giao thông.

Người điều khiển các phương tiện giao thông cần nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn và không xảy ra ùn tắc (Ảnh minh họa)

Người điều khiển các phương tiện giao thông cần nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn và không xảy ra ùn tắc (Ảnh minh họa)

Tuyến đường Nguyễn Trãi đã được Sở Giao thông- Vận tải Hà Nội thí điểm phân làn nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Theo Sở này, nếu thí điểm thành công, sẽ nhân rộng ra toàn thành phố. Tuy nhiên, theo ghi nhận, trong những khung giờ cao điểm, nhất là vào buổi sáng, tình trạng “lộn xộn” vẫn diễn ra. Có nhiều yếu tố cấu thành nên sự “lộn xộn” cả khách quan lẫn chủ quan. Thứ nhất, đây là tuyến đường huyết mạch để người lao động đi từ Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân vào nội đô làm việc.

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn, dẫn đến ùn tắc cục bộ. Trong khi, nhiều cơ quan hiện tại áp dụng mô hình quẹt thẻ, nên không người lao động nào muốn vi phạm nội quy cơ quan. Biết là “luồn”, “lách” đi sai tuyến nhưng cũng đành “tặc lưỡi” vi phạm đi sai làn đường, chứ không thể bị trừ công, trừ lương. Thứ hai, nhiều người biết mình lấn làn, vi phạm giao thông, nhưng vẫn cứ đi, miễn sao cho nhanh, vì biết có lấn, có vi phạm, chắc cũng chẳng sao!

Nếu ai đã từng học và nắm vững Luật Giao thông đường bộ, có dịp lưu thông trên đường, nếu chiếu theo quy định của Luật, rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm Luật Giao thông. Xe máy đi lấn làn đường ô tô, thích quay, thích rẽ, thậm chí thích lấn làn lúc nào cũng được. Ngồi trên ô tô, kể cả đường nội đô lẫn đường dẫn ra ngoại thành, không ít lần “thót tim” vì bị những người điều khiển xe máy đánh võng cắt mặt. Lái xe phải phanh gấp, xong mặt tái xanh. Điều cần nói thêm, những người điều khiển phương tiện xe máy đi không đúng quy định đa số tập trung vào giới trẻ, đội ngũ hành nghề xe ôm, xe công nghệ, người dân làm các công việc tự do và những người buôn bán từ ngoại thành vào nội đô...

Còn với phương tiện ô tô, nhiều người cũng không tuân thủ quy định. Vi phạm điển hình nhất khi lưu thông trên những cung đường nội đô là lấn làn, không nhường đường cho xe máy và xe thô sơ. Đơn cử tuyến đường Láng, cứ vào giờ cao điểm, ô tô dàn hàng ngang, xe máy muốn vượt lên (làn của mình) cũng không thể nào đi nổi. Trong khi đó, nếu các phương tiện tham gia giao thông đi đúng quy định, dù di chuyển chậm hơn nhưng sẽ không xảy ra ùn, tắc cục bộ. Thậm chí, nhiều tuyến phố, cắm biển cấm đỗ ô tô, nhưng xe vẫn đỗ bình thường.

Câu chuyện đặt ra, cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, đang tiến hành xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với thành phố thông minh, chắc chắn không thể thiếu áp dụng công nghệ trong quản lý giao thông. Nhiều tuyến phố đã gắn camera, không cần cảnh sát giao thông phải đứng, thậm chí phải “chạy” ra đường để “bắt”, phạt người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm quy định về giao thông, mà chúng ta đã có hệ thống camera ghi lại quy trình vi phạm, hành vi vi phạm để làm căn cứ cho việc phạt nguội.

Tin tưởng nếu cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường áp dụng công nghệ để tiến hành phạt nguội thật nặng, sau đó truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm gương, sẽ dần “chấn chỉnh” được các hành vi vi phạm giao thông trong quá trình điều khiển phương tiện cơ giới. Góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cũng như an toàn cho người tham gia giao thông.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-nguoi-that-nang-de-ran-de-144337.html