Phạt nặng vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nhiều mức phạt nặng và phạm vi rộng hơn so với các văn bản hiện hành.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo sẽ bị xử phạt nghiêm. (Ảnh minh họa).

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo sẽ bị xử phạt nghiêm. (Ảnh minh họa).

Theo đó, đối với những vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo Dự thảo Nghị định đề xuất mức phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc lá; quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức.

Sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai; quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.

Không những thế, quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực sẽ bị phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất phạt tiền đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng như: Từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo.

Đối với các hành vi quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc; xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; định kiến về giới; định kiến về người khuyết tật; quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Cũng theo Dự thảo, sẽ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ; quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.

Cũng bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng còn có các hành vi quảng cáo gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo; sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia; sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam trong quảng cáo.

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định đề xuất phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 90 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ; Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ buộc đối tượng vi phạm phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo; xin lỗi tổ chức, cá nhân; cải chính thông tin đối với những hành vi đã vi phạm.

Đối với những vi phạm các quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo, Dự thảo Nghị định đề xuất mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài; các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt.

Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà thể hiện khổ chữ nước ngoài vượt quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và không đặt bên dưới chữ tiếng Việt trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài…

Dự thảo Nghị định cũng cụ thể hóa hơn đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc quảng cáo rượu, bia. Đối với hành vi quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và quảng cáo bia vi phạm sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phat-nang-vi-pham-trong-linh-vuc-van-hoa-va-quang-cao-d128910.html