Phát lộ sau một phiên tòa

Sau một tuần nghị án, HĐXX phiên sơ thẩm vụ gian lận thi cử tại Hà Giang đã tuyên án. Các bị cáo đều đã nhận từng mức hình phạt đối với tội trạng của mình, kẻ đầu vụ là 8 năm tù, người thấp nhất nhận một năm án tù (hưởng án treo).

Các bị cáo trong vụ án.

Các bị cáo trong vụ án.

Như vậy, phiên xử sơ thẩm đã khép lại và công chúng thấy rõ HĐXX đã không nhân nhượng với bất cứ trường hợp nào, mặc dù bản án đã tuyên đối với các bị cáo đều thấp hơn đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát. Nhiều người tỏ ra đồng tình khi những việc khuất tất, chưa được xem xét đến tại phiên tòa này đã được HĐXX kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Đó là những dấu hiệu gian lận trong kỳ trước đây và dấu hiệu của hành vi đưa và nhận hối lộ. Chắc chắn, đây là điểm mấu chốt của vụ án này, làm rõ động cơ của những người phạm tội, câu trả lời đích đáng cho cho việc nâng điểm các học sinh cá biệt được vào các trường “hot” chỉ là để "tạo phúc" hay không.

Bên cạnh đó, cũng là lời giải thích gián tiếp cho câu hỏi được đặt ra trong phần tranh tụng của vụ án này là, tại sao một số thí sinh của các tỉnh khác lại đến đăng ký dự thi tại Hà Giang.

Bản án cũng là một sự trả lời thích đáng dành cho bị cáo Triệu Thị Chính khi hùng hồn tuyên bố là, dù bị kết án thế nào thì bà ta cũng không có tội. Ngay tại khi phiên tòa đang diễn ra, phát lộ chuyện vợ Chủ tịch tỉnh này nhắn tin nhờ nâng điểm.

Và chính trong ngày tuyên án, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã "kịp thời" công bố mức kỷ luật đối với nữ đảng viên xin nâng điểm với hình thức “khiển trách”. Đây là người thứ 152 sau 151 người đã trong danh sách bị xem xét kỷ luật trước đó.

Sự phát lộ rõ ràng nhất nhưng cũng ít được đề cập nhất là, nếu như không có con gái của Bí thư Tỉnh ủy và con gái của Chủ tịch tỉnh dự kỳ thi này và đều dược nâng điểm thì các cán bộ đã trở thành bị cáo hôm nay có dám "mạnh tay" lạm quyền và vi phạm pháp luật đến thế không? Phải chăng họ dám làm những việc phi pháp tày trời đó bởi nghĩ rằng hành vi của mình được bao che và "lưỡi gươm" của Công lý không thể chạm vào mình?

Một điểm nữa, không có bị hại nào tại phiên tòa này nhưng khách thể bị xâm hại nặng nề nhất là sự nghiêm túc thi cử và sự trong sáng của nền giáo dục. Có những bị hại thực sự và cụ thể nhưng không được triệu tập đến tòa là những thí sinh học thật, thi thật, điểm thật nhưng đã bị những kẻ gian lận chiếm chỗ. Bài học lớn và nỗi đau cũng rất lớn cho nền giáo dục nước nhà.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/phat-lo-sau-mot-phien-toa-476683.html