Phát lộ nhiều dấu tích quan trọng của di tích Hải Vân Quan

Chiều 24/8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở VH&TT TP. Đà Nẵng công bố báo cáo kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ di tích Hải Vân Quan.

Một góc Di tích Hải Vân Quan. Ảnh: VGP/Thế Phong

Từ tháng 4/2018 đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu và khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan.

Với diện tích gần 900 m2 khai đào tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn như: Bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố.

Cụ thể, kết quả khai quật xác định chân móng Cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan (THĐNHQ) được bó đá thanh hình khối hộp chữ nhật giống với cổng Hải Vân Quan. Kích thước cổng rộng toàn bộ 7,9 m, cao 6,52 m, dày 4,79 m; vòm cổng rộng 3,47 m, cao 4,55 m.

Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9 m, dài 7,1 m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nề bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2 m). Nền sân này đã trải quan nhiều giai đoạn cải tạo, bồi đắp.

Phía trước nền sân là lối đi của đường thiên lý từ Kinh đô Huế vào Cổng THĐNHQ. Lối đi này rộng 4,8 m, chạy men theo hướng đông bắc lên sườn núi phía tây của ngọn Hải Vân Sơn. Phía trong (phía tây nam) Cổng THĐNHQ, kết quả khai quật cũng đã làm rõ dấu tích bậc cấp đi từ cổng Hải Vân Quan lên. Mặc dù đã bị đào phá trong giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ đồn trú, nhưng qua nghiên cứu có thể xác định bậc cấp này khởi thủy được xếp bằng đá núi, dài 7,4 m, rộng 5,5 m, gồm 10 bậc, mỗi bậc rộng 0,7 m.

Qua khai quật, các chuyên gia cũng xác định Cổng Hải Vân Quan hiện nay vẫn còn giữ nguyên kết cấu với kích thước cao 6,45 m, rộng 7,9 m, lòng cổng rộng 3,48 m, được xây cuốn vòm bằng gạch vồ, chân bó đá thanh, nền lát đá sa thạch. Phía nam cổng Hải Vân Quan là dấu tích bậc cấp cùng đường thiên lý. Bậc cấp được xếp bằng đá núi, rộng phủ bì 8,6m, hai bên bó vỉa bằng đá núi (rộng 0,65 m). Bậc cấp dốc thẳng xuống phía dưới, nối với đường thiên lý. Đường thiên lý chạy vòng về bên trái Hải Vân Quan (hướng đông nam).

Ngoài ra, dấu tích đường đi từ Hải Vân Quan lên THĐNHQ cũng được xác định. Qua đó cho thấy đường đi bám theo chân tường thành phía bắc nối từ Hải Vân Quan lên THĐNHQ, rộng 5 m, nền đường lát một lớp đá núi.

Qua khai quật, các chuyên gia phát hiện dấu tích kiến trúc cổng phụ và hệ thống tường thành. Cổng phụ là lối đi xuống khu vực trước đây xây dựng khu nhà ở cho binh lính đồn trú tại Hải Vân Quan. Cổng phụ được xây dựng trên đoạn tường nối Hải Vân Quan với THĐNHQ, cách mặt tường trong của Hải Vân Quan 3,9 m. Dấu vết xuất lộ của cổng chỉ còn lại nền móng dài 3,08 m, rộng 2,2 m, lòng rộng 1,8 m, trụ và nền đều xây bằng gạch vồ.

Từ cổng Hải Vân Quan đến THĐNHQ có một hệ thống tường thành khép kín, bao bọc toàn bộ khu di tích. Quy mô của tường thành xây dựng thời Nguyễn có phạm vi phân bố rộng hơn hệ thống tường thành hiện nay. Tường thành được xây theo kết cấu “thượng thu hạ thách”, chân móng rộng 2,2 m, thân tường rộng 1,9 m, cao 2,3 m - 2,4 m được xếp bằng đá núi, khít mạch. Qua khai quật, các chuyên gia cũng phát hiện dấu tích 6 pháo nhãn, vết tích kiến trúc nhà Trú Sở, vết tích kiến trúc nhà Vũ Khố…

Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.

Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Di tích Hải Vân Quan là một di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quân sự vô cùng đặc biệt, với quy mô và kết cấu quy chuẩn của một lũy thành phòng thủ. Nơi đây luôn giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Năm 2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là sự khẳng định những giá trị vốn quý của di tích và cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đem lại sẽ là cơ sở hết sức quan trọng và cần thiết để các nhà thiết kế, trùng tu, tôn tạo làm căn cứ lựa chọn mặt bằng, định hướng những giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích sau này, sớm đưa Hải Vân Quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/phat-lo-nhieu-dau-tich-quan-trong-cua-di-tich-hai-van-quan/344902.vgp