Phát lộ nền móng Hải Vân quan ở độ sâu gần 2m

Ngay sau khi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng lịch sử quốc gia đã bắt tay vào công việc khảo cổ di tích Hải Vân quan. Tổng kinh phí dự kiến để hoàn thành công tác khảo cổ khoảng 2 tỷ đồng do Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế đóng góp. Ngay thời điểm đầu tiến hành công việc, các chuyên gia đã phát lộ những chi tiết đặc trưng về kiến trúc cổng kinh thành Huế trong diện tích 600m2 trước cổng phía Bắc của Hải Vân quan.

Đơn vị thực hiện việc khảo cổ khoanh vùng 600m2 để tiến hành công việc trong thời gian khoảng 4 tháng ở cổng phía Bắc.

Người không có nhiệm vụ, khách du lịch không được vào khu vực đang tiến hành khảo cổ để đảm bảo công việc được tiến hành nghiêm túc, không bị ảnh hưởng bởi hoạt động bên ngoài.

Các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – đơn vị thực hiện khảo cổ cho biết, hầu hết các hiện vật được phát hiện là các mảnh sành sứ, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của bình lính.

Ở độ sâu gần 2m là cốt nền và lối dẫn vào cổng phía Bắc của Hải Vân quan, được xác định là kiến trúc đặc trưng khoảng thời Minh Mạng.

Cổng vào phía Bắc được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của cổng kinh thành Huế.

Theo ông Hoàng Văn Thưởng – chuyên gia khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, phụ trách nhóm thực hiện nhiệm vụ khảo cổ phần móng Hải Vân quan, từ độ sâu gần 2m so với mặt bằng hiện tại đã phát lộ những dấu tích mang tính đặc trưng để giữ tính nguyên bản trong suốt quá trình thực hiện việc khảo cổ, thuận lợi cho công việc trùng tu sau này.

Những dấu hiệu kiến trúc đặc trưng phía trong cổng cũng sẽ là cơ sở giúp các chuyên gia định hướng về công tác khảo cổ để trùng tu hiệu quả.

Cổng vào ghi chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan bằng chữ Hán.

Trong thời gian tiến hành khảo cổ, khách du lịch vẫn có thể tham quan tại danh thằng này nhưng không được phép tiếp cận khu vực đã được khoanh vùng.

Theo ngành chức năng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế, sau khi hoàn thành khảo cổ khu vực phía Bắc sẽ tiến hành tiếp cổng phía Nam.

Trong khi cổng phía Huế ghi Thiên hạ đệ nhất hùng quan thì cồng phía Đà Nẵng ghi 3 chữ Hải Vân quan.

Bên trong cổng Hải Vân quan nhìn về Đà Nẵng.

Chính quyền 2 địa phương kỳ vọng, sau khi khảo cổ để trùng tu, Hải Vân quan sẽ là điểm đến được quản lý và khai thác bài bản, tránh hiện tượng du lịch tự phát và xâm hại di tích. Trong ảnh: Một nhóm phượt trèo lên các công trình ở Hải Vân quan để chụp ảnh.

Rác thải du lịch hiện vẫn đang là vấn đề nan giải ở đây. Dù được bố trí thùng rác ở nhiều vị trí kèm các bảng tuyên truyền nhưng rất nhiều du khách vẫn thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung

Nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, đây cũng là vị trí mà mật độ xe cộ lưu thông rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tại nạn giao thông.

Việc Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế có những sáng kiến phối hợp trong công tác bảo tồn, trùng tu, khai thác sẽ là cơ hội để Hải Vân quan “sống lại” với ý nghĩa đặc biệt của nó.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/113_186326_phat-lo-nen-mong-hai-van-quan-o-do-sau-gan-2m.aspx