Phát lộ bãi cọc gỗ liên quan 'trận chiến sông Bạch Đằng'

Ngày 29-9, tại hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 do Viện Khảo cổ học tổ chức, nhiều bí ẩn về bãi cọc gỗ khổng lồ mới được phát hiện ở Hải Phòng đã công bố.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội, cho biết, sau 2 lần khai quật ở Cao Quỳ và Đầm Thượng (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), các nhà khoa học đã phát hiện 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng; được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn - nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ 10 - 18cm, loại lớn 28 - 32cm, đặc biệt có cọc đường kính 37 - 40cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim. Trên cơ sở kết quả khai quật, các chuyên gia khoa học kiến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch nghiên cứu mở rộng.

“Bước đầu, đoàn khai quật nhận định, di tích bãi cọc Cao Quỳ là trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến, chiến trường Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên, năm 1288 của quân dân triều Trần”, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học, cho biết.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-lo-bai-coc-go-lien-quan-tran-chien-song-bach-dang-688280.html