'Phát lộ' 2 cổng thành sau khi di dời dân nơi khu vực Kinh thành Huế

Trong khi di dời dân ra khỏi khu vực Kinh thành Huế, xuất hiện 2 cổng thành bằng gạch vồ nằm hai bên đông thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà.

 Phát lộ 2 cửa thành sau khi di dời người dân nơi khu vực kinh thành Huế. Ảnh: Tiến Thành.

Phát lộ 2 cửa thành sau khi di dời người dân nơi khu vực kinh thành Huế. Ảnh: Tiến Thành.

Ngày 29/6, thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vừa "phát lộ" 2 cổng thành trên khu vực hệ thống Kinh thành Huế sau khi di dời người dân nơi khu vực thượng thành.

Theo đó, cả 2 cổng xây bằng gạch vồ nằm hai bên đông thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà. Cổng nằm bên phải cống Lương Y; cổng thứ hai nằm bên trái cầu Lương Y, ở số 126 đường Xuân Sáu Tám.

Hai cổng này xây theo hình thức cổng vòm dày khoảng 60 cm, rộng 80 cm, cao 100cm; phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Qua cổng ra ngoài thành là đường phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà và hào Hộ Thành, cách sông Hộ Thành (Đông Ba) vài chục bước chân.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, đã ghi nhận 2 cổng thành ở trên hệ thống Kinh thành Huế từ lâu, sắp tới đơn vị này sẽ có các giải pháp để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị 2 cổng thành cùng các điểm di tích trong quần thể di tích cố đô Huế.

2 cổng thành này đến nay vẫn còn là bí ẩn. Ảnh: Tiến Thành.

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, trong sử sách triều Nguyễn có nói về việc đào sông Ngự Hà, hệ thống phòng thủ Đông thành Thủy Quan, tuy nhiên không thấy nhắc tới 2 cổng thành này.

"Có thể vì một số lý do bí mật về phòng thủ nên những cổng thành này ít được nhắc tới. Vì Ngày xưa Đông thành Thủy Quan là vị trí phòng thủ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, các tàu thuyền muốn vào bên trong Kinh thành Huế theo sông Ngự Hà phải đi qua nơi này. Khu vực 2 bên Đông thành Thủy Quan có 13 lỗ châu mai, nơi triều đình Nguyễn bố trí súng thần công phòng thủ" ông Hoa nói.

Theo tài liệu từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là cửa bên phải và cửa bên trái của Đông thành Thủy Quan. Nằm trong hệ thống Kinh thành, đây là nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông thành Thủy Quan. Trong tài liệu “Kinh thành Huế: Địa danh” của Cardìere đã đánh dấu rõ trên bản đồ vị trí 121 và “Đại Nam nhất thống chí” cũng đã ghi rõ ở đây có xưởng Đại Bác và có vệ binh 20 người để canh giữ Đông thành Thủy Quan.

TIẾN THÀNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phat-lo-2-cong-thanh-sau-khi-di-doi-dan-noi-khu-vuc-kinh-thanh-hue-d267330.html