Phạt kẻ vỗ mông phụ nữ 200.000 đồng - chẳng khác gì 'trò đùa'

'Với cơ chế và khung pháp luật thế này, những người yếu thế như phụ nữ sẽ không được bảo vệ, họ dù muốn cũng không thể bảo vệ được chính mình', tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói.

Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đưa ra quan điểm trên trong vụ việc người đàn ông nước ngoài vừa bị xử phạt 200.000 đồng vì có hành vi vỗ mông phụ nữ đi cùng thang máy ở chung cư The Sun Avenue (quận 2, TP.HCM).

"Nhìn mức xử phạt, tôi rất sốt ruột"

Là người thường xuyên theo dõi và bày tỏ chính kiến trước những vụ việc trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, sàm sỡ, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), chia sẻ cảm giác thất vọng khi thấy mức xử phạt 200.000 đồng tiếp tục được áp dụng trong vụ người đàn ông nước ngoài vỗ mông phụ nữ đi cùng thang máy.

Bà Hồng ví mức xử phạt này “như một trò đùa”, không có nhiều giá trị và không mang tính chất răn đe đối tượng vi phạm.

“Với cơ chế và khung pháp luật thế này, những người yếu thế như phụ nữ sẽ không được bảo vệ, họ dù muốn cũng không thể bảo vệ được chính mình”, bà Hồng nói.

 Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội một lần nữa phản ứng với mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy. Ảnh minh họa.

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội một lần nữa phản ứng với mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy. Ảnh minh họa.

Nhắc lại hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra hồi đầu năm ngoái, bà Hồng cho biết dư luận đã có những phản ứng rất mạnh mẽ, các cơ quan cũng yêu cầu báo cáo, sửa đổi nghị định để hình phạt có hiệu quả răn đe hơn, song cho đến nay, quy định về việc này vẫn chưa được sửa đổi.

“Nhìn lại vụ việc vừa xảy ra ở TP.HCM, một người đàn ông ngoại quốc đến nước ta, sàm sỡ phụ nữ nhưng sau đó chính nạn nhân lại tìm cách né tránh người đàn ông vi phạm, vì họ sợ rắc rối, vì họ bị đe dọa. Đó là một sự thật rất trớ trêu khi quy định pháp luật chưa đủ mạnh để bảo vệ người dân”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà, nếu chế tài không được sửa đổi, nếu mức phạt không được nâng lên, có các chế tài xử phạt đi kèm, thì người dân dù có ý thức và phản ứng, họ cũng không thể bảo vệ được mình do thiếu cơ chế và công cụ pháp luật.

Như vụ ở TP.HCM vừa qua, người phụ nữ đủ hiểu biết để nhận thức được vụ việc, nhưng họ bị đối tượng vi phạm nhục mạ, đe dọa nên theo bà Hồng, việc nạn nhân chấp nhận hòa giải là điều dễ hiểu. Bởi, kể cả khi có xử phạt, người đàn ông nước ngoài kia vẫn sinh sống ở đó, đe dọa và gây nguy hiểm cho nạn nhân.

Theo bà Hồng, mức phạt 200.000 đồng cho hành vi này phải được thay đổi vì nó khiến những kẻ có dã tâm vi phạm không bao giờ biết sợ.

“Rất nhiều trường hợp xảy ra và chúng ta đã lên tiếng, nhưng nay vẫn tiếp tục có sự việc thế này. Chúng ta phải thay đổi, đừng để pháp luật bất lực trong bảo vệ người dân, đừng để an toàn của người dân không được ưu tiên. Đất nước có nằm trong top 5, top 10 về kinh tế cũng sẽ không có ý nghĩa khi người dân sống luôn phải bất an như vậy”, bà Hồng nêu quan điểm.

Bà kiến nghị các cơ quan chức năng cần sửa đổi pháp luật cụ thể hơn, kịp thời hơn để pháp luật thực sự là công cụ trừng trị, xử lý những hành vi xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng nạn nhân bị sàm sỡ phải mạnh mẽ lên tiếng, tố cáo để cơ quan pháp luật có cơ sở xử lý, để những kẻ vi phạm phải biết run sợ. Ảnh: Quốc hội.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua đã nâng mức xử phạt đối hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội như quấy rối, sàm sỡ trẻ em, phụ nữ lên 30-40 triệu đồng. Nhưng thực tế, hành vi đó vẫn chỉ bị xử phạt 200.000 đồng, đó là bất cập đang tồn tại và cần sớm xem xét, xử lý.

Bà cũng cho biết năm ngoái, khi xảy ra loạt sự việc tương tự, bà đã có văn bản chất vấn gửi Bộ Công an và cơ quan này hứa sẽ sớm sửa nghị định xử phạt hành chính, nâng mức phạt này.

Nhưng ở góc độ khác, nữ đại biểu cho rằng ngoài quy định về xử phạt, nạn nhân trong các vụ việc không nên thỏa hiệp với sai phạm mà phải mạnh mẽ lên tiếng, tố cáo để cơ quan pháp luật có cơ sở xử lý, răn đe, để những kẻ vi phạm phải biết run sợ trước những hành vi sai phạm.

Căn cứ xử lý hình sự khi tái phạm

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cũng cho rằng mức xử phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ trong thang máy là bất hợp lý. Nhưng ông khuyên những nạn nhân vẫn phải mạnh dạn làm đơn tố cáo. Vì hình thức xử lý hành chính cũng là một cách răn đe, vừa là căn cứ để xem xét xử lý hình sự khi đối tượng tái phạm.

“Các nạn nhân đừng nghĩ vì tiền phạt ít mà bỏ qua, không tố cáo; như vậy, những người vi phạm sẽ tiếp tục có hành vi sai trái với những người khác nữa”, ông Pha nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Dân nguyện) nhận định đây chính là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ. Tuy nhiên, trong luật chưa có quy định về tội danh này nên rất khó để xử lý hình sự.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý nên hình sự hóa các vi phạm như sàm sỡ phụ nữ, trẻ em để đảm bảo răn đe. Ảnh: Quốc hội.

Việc xử lý được căn cứ theo Nghị định 167 ra đời từ năm 2013 nhưng quy định này đã không kịp cập nhật tình hình mới, không có sự tương thích với bối cảnh nên xã hội hiện nay cần sớm sửa đổi.

Ông Nhưỡng cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua quy định mức phạt 30 triệu đồng cho hành vi quấy rối, sàm sỡ phụ nữ, trẻ em, nhưng quy định này đến đầu năm 2022 mới có hiệu lực.

Trong khi quy định chưa có hiệu lực, các hành vi như lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; xâm phạm sức khỏe người khác… chỉ bị xử phạt 100.000-300.000 đồng theo Nghị định 167 của Chính phủ.

Dù mức xử phạt bất hợp lý và chưa đủ sức răn đe, ông Nhưỡng cũng cho rằng vẫn cần xử phạt hành vi của các đối tượng này để “ghi vào hồ sơ”, coi đó là căn cứ để nếu họ tái phạm, sẽ xem xét xử lý hình sự. Ông cũng kiến nghị Bộ luật Hình sự nên cụ thể hóa và có những quy định mạnh mẽ, cứng rắn để xử lý được các vi phạm tương tự hành vi dâm ô.

Mặt khác, cần có những hình phạt về mặt đạo đức, như bắt người vi phạm xin lỗi công khai, thậm chí dán ảnh những người vi phạm ở thang máy, nơi họ vi phạm, để người dân ở đó cảnh giác.

“Trên là đạo đức, dưới là pháp luật, cần chế tài cho cả hai khía cạnh đó mới đủ mạnh để có thể bảo vệ người dân, chấm dứt sự việc tương tự”, ông Nhưỡng nói.

Lời kể của người phụ nữ bị vỗ mông trong thang máy ở TP.HCM Sau khi bị vỗ mông trong thang máy chung cư, chị H.L. cho biết người đàn ông nước ngoài gây ra việc này còn liên tục gọi điện đe dọa.

Ngày 22/3/2019, sau một số vụ phụ nữ, trẻ em bị sàm sỡ trong thang máy nhưng chỉ bị xử phạt 200.000 đồng, gây bức xúc xã hội, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, đảm bảo đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự.

Ngày 26/9/2019, Bộ Công an công bố dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013/NĐ-CP để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Công an bổ sung việc phạt người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng... với mức phạt đề xuất 3-5 triệu đồng.

Với hành vi dâm ô (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt lên gấp 10 lần, từ 300.000 đồng thành 3 triệu đồng. Đây cũng là mức phạt đề xuất với người có cử chỉ, lời nói, việc làm mang tính chất khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.

Ngoài bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải xin lỗi công khai, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-ke-vo-mong-phu-nu-200000-dong-chang-khac-gi-tro-dua-post1155889.html