Phát huy 'vựa' nuôi nhuyễn thể ở Ngọc Vừng

Được thiên nhiên ưu đãi, xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) phát triển thế mạnh nuôi nhuyễn thể, trở thành mũi nhọn kinh tế biển. Ngoài tập trung phát triển thành 'vựa' nuôi trồng nhuyễn thể đặc sản, Ngọc Vừng còn quan tâm phát triển bền vững, gỡ khó cho hộ nuôi trồng.

Ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho biết: Xã đảo nằm ở phía Đông Nam huyện Vân Đồn với hàng chục đảo lớn, nhỏ, có diện tích mặt nước rộng, nhiều bãi triều, ghềnh đá tự nhiên. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng nhuyễn thể. Chúng tôi xác định đây là thế mạnh và cũng đưa mũi nhọn này trở thành nhiệm vụ phát triển kinh tế quan trọng trong thời gian tới.

Thu hoạch hàu sữa ở các bè nuôi trên biển xã đảo Ngọc Vừng.

Thu hoạch hàu sữa ở các bè nuôi trên biển xã đảo Ngọc Vừng.

Từ lâu, nuôi nhuyễn thể đã trở thành nghề truyền thống của người dân đảo. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nước trong, sạch, độ mặn vừa phải, nguồn thức ăn phong phú đặc biệt là phù du, tảo... trong nước là môi trường lý tưởng để nhuyễn thể như: Ốc, tu hài, ngao, hầu... phát triển tốt.

Đặc biệt, ốc Ngọc Vừng rất to, có hương vị đằm, thơm ngon hơn nhiều nơi khác, trở thành thương hiệu riêng có. Chính vì thế, mặt nước, ghềnh đá mênh mông ở phía Tây đảo hoặc các đảo đá như: Hạ Mai, Phượng Hoàng, Nứt, Pháo Đài… trở thành môi trường lý tưởng để nuôi trồng.
Tuy nhiên, thế mạnh này vẫn chưa thực sự được phát huy đúng mức. Trước năm 2004, nuôi trồng thủy hải sản ở Ngọc Vừng mới chỉ manh nha, chủ yếu là khai thác tự nhiên. Sau đó, do nguồn lợi tự nhiên suy giảm, người dân nơi đây mới bắt đầu nuôi trồng nhuyễn thể. Để thuận lợi cho công tác quản lý và việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, một số hộ dân khó khăn được tạo điều kiện cho mượn mặt nước, bãi triều, ghềnh để nuôi trồng từ năm 2011.Để đạt hiệu quả kinh tế cao, phát huy hết thế mạnh vốn có, xã thường xuyên phối hợp với huyện, các cơ quan chuyên môn tổ chức trung bình 2-3 buổi tập huấn/năm nhằm cung cấp kiến thức, kỹ thuật, giới thiệu nguồn giống... Đặc biệt, năm 2014, xã đã xin được dự án Gom ốc giống nuôi thí điểm, nằm trong chương trình Nông thôn mới của huyện cho trên 10 hộ, trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Mô hình với sự hỗ trợ của chuyên gia đã mở ra một cách làm hay, hiệu quả, dẫn đường thúc đẩy thế mạnh này. Theo đó, ngoài nguồn giống tại chỗ, dự án lấy nguồn giống tự nhiên thu gom ở Vân Đồn và các vùng khác. Nguồn giống tốt, nắm được kỹ thuật, phù hợp với điều kiện tự nhiên, ốc phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao.
Đối với nuôi trồng các loại nhuyễn thể khác như: Ngao, tu hài, hàu mới được nuôi trồng từ sau năm 2016, khi các loài nhuyễn thể này phát triển mạnh ở Vân Đồn. Các loại nhuyễn thể này chủ yếu được nuôi ở khu vực quanh đảo như: Dàn Mướp, hòn Thoi... Cho tới nay, số lượng hộ nuôi trồng các loại nhuyễn thể này trên địa bàn vào khoảng 40-50 hộ.Nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên và cách làm phù hợp, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể nhanh chóng phát triển mạnh, tạo thu nhập khá cho người dân. Từ vài hộ ban đầu nay số hộ nuôi trồng nhuyễn thể ở Ngọc Vừng tăng lên 210 hộ, trong đó nuôi ốc là 160 hộ, chủ yếu các hộ nuôi tập trung tại thôn Bình Minh, Ngọc Nam.

Tổng diện tích nuôi trồng đạt gần 50ha, trong đó nuôi ốc là 38ha. Không gian nuôi trồng cũng được mở rộng từ các ghềnh nhỏ ra các đảo Hạ Mai, Phượng Hoàng, Nứt và 1 số đảo xung quanh đảo Ngọc Vừng. Sản lượng nhuyễn thể năm 2019 của xã đạt khoảng 1.000 tấn/năm, trong đó nuôi ốc chiếm 70%.

Nhuyễn thể, đặc biệt là ốc màu được người dân xã đảo Ngọc Vừng nuôi ở các ghềnh đá quanh đảo, cho thu nhập cao.

Đặc biệt, trước thời điểm năm 2020, nhuyễn thể thế mạnh như ốc đá, ốc màu…đạt giá trị kinh tế cao, dành cho xuất khẩu. Có thời điểm, ốc màu có giá từ 200.000-220.000 đồng/kg, ốc đá đạt khoảng 100.000 đồng/kg. Chính vì thế, thu nhập của hộ nuôi trồng, đặc biệt là nuôi ốc khá tốt, đạt trung bình 150 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi nhuyễn thể.
Tuy nhiên, hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ các sản phẩm nuôi trồng này gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm không xuất bán được, có thời điểm ốc màu đặc sản "rớt" giá, chỉ còn 80.000 đồng/kg, hàu 6.000 đồng/kg…khiến nhiều hộ dân lao đao. Hơn nữa, hiện nay huyện Vân Đồn đang lập lại quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản nên điều mà người dân Ngọc Vừng quan tâm là họ tiếp tục được tạo điều kiện nuôi trồng, hoàn thiện thủ tục mượn quỹ đất để mở rộng thêm diện tích nuôi, nâng cao thu nhập.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ những hộ nằm trong diện quy hoạch, kết nối các nguồn vốn, nguồn hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật, đặc biệt là nguồn giống tốt để nuôi nhuyễn thể phát triển bền vững hơn. Đồng thời mong được các cơ quan chức năng hướng dẫn, giúp đỡ để nhuyễn thể, đặc biệt các sản phẩm ốc, được xây dựng trở thành sản phẩm đặc trưng địa phương, từ đó phát triển mạnh mẽ hơn thương hiệu này, tìm đầu ra ổn định, giá trị hơn. Chúng tôi cũng sẽ đào tạo, chuyển đổi nghề cho một số hộ khác, mở các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá khu nuôi trồng, bãi ốc trên biển... giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống" - ông Hoàng Văn Quảng chia sẻ thêm.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/phat-huy-vua-nuoi-nhuyen-the-o-ngoc-vung-2502316/