Phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới

Từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hồng Công, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương, nay là Hội Nông dân Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đặc biệt, thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của giai cấp nông dân Việt Nam.

Sau hội nghị, ngày 5-11-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có Thư gửi Quốc tế Nông dân báo cáo từ ngày 1-5 đến ngày 1-10, khoảng 50.000 nông dân đã vào Nông hội (Nam Kỳ 15.000, Trung Kỳ 35.000). Mặc dù bị thực dân Pháp đàn áp dã man nhưng phong trào nông dân đấu tranh cách mạng vẫn tiếp tục phát triển, tổ chức Nông hội ở các cấp được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở... Đồng thời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kiên trì vận động thực hiện mục tiêu chiến lược cách mạng Việt Nam và yêu cầu Đảng phải hết sức quan tâm phương thức lãnh đạo quần chúng nông dân thông qua Nông hội: “Nông hội phải liên hệ chặt chẽ với Công hội” và “Phải ra sức làm cho quần chúng tin tưởng ở Đảng”, “Cần làm cho nông dân nhận thức rõ lực lượng và vai trò của mình”. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Pác Bó, Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta để đánh đuổi Pháp, Nhật, đòi độc lập cho dân tộc và tự do cho toàn dân. Tại Pác Bó, Bác Hồ triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 10 đến 19-5-1941 để xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là giải phóng dân tộc, thành lập Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc, thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, Nông hội đỏ đổi tên thành Việt Nam Nông dân cứu quốc hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh, Hội Nông dân cứu quốc phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút, tập hợp đông đảo hội viên làm nòng cốt trong phong trào nông dân với ý chí quật cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Với sức mạnh to lớn ấy, Ủy ban Giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Ủy ban khởi nghĩa đã phát động thành công cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tiến hành diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, vừa kiến quốc, xây dựng “đời sống mới” và nền văn hóa mới theo 3 nguyên tắc khoa học hóa, đại chúng hóa, dân tộc hóa mà “hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm” nên đồng bào ta “sẵn lòng đưa người, đưa của, đưa tiền ra để ủng hộ đoàn thể và Chính phủ”. Đồng bào nông dân toàn quốc coi “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, hội tụ thành sức mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954.

Huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tổ chức lễ công nhận xã Đông Thắng đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới. Ảnh minh họa: TTXVN.

Huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tổ chức lễ công nhận xã Đông Thắng đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tiếp đó, với tinh thần “Chắc tay súng, vững tay cày”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hàng triệu thanh niên nông dân đã nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu, bổ sung sức mạnh to lớn cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Hội Nông dân giải phóng miền Nam, đưa đến toàn thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc một quá trình đấu tranh kiên trì, bền bỉ, anh dũng của quân và dân ta, đặc biệt là của nông dân và nông thôn Việt Nam với hàng triệu người nông dân yêu nước đã hy sinh xương máu, đặc biệt có 139.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Sức chịu đựng phi thường của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn là biểu tượng yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm bất khuất, trung hậu, đảm đang, tấm gương sáng ngời đối với nhân dân ta và giai cấp nông dân Việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi mãi vì khát vọng độc lập-tự do-hạnh phúc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã minh chứng giai cấp nông dân là lực lượng hùng hậu của cách mạng Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, thực sự là động lực vật chất và tinh thần mạnh mẽ phi thường làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, nâng cao vị thế và uy tín của dân tộc Việt Nam lên ngang tầm thời đại. Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Nông dân Việt Nam, tháng 3-1988, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi mà chúng ta đã giành được, thực chất là thắng lợi của đội quân nông dân mặc áo lính, thắng lợi của toàn dân đánh giặc, chủ yếu là nông dân. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ thực chất đã chẳng những không thay đổi mà còn tô đậm thêm, rạng rỡ hơn bao giờ hết”. Vai trò đó của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã, đang và sẽ được phát huy cao độ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà nông nghiệp là mặt trận hàng đầu với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp toàn diện về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội Nông dân Việt Nam phát động đã tạo động lực mạnh mẽ đối với hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đặc biệt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và liên tục gia tăng xuất khẩu gạo từ 1,4 triệu tấn năm 1989 lên 6,37 triệu tấn gạo năm 2019, chiếm vị trí số 1 trên thế giới về cả lượng và giá trị ở mức giao dịch từ 493 đến 497 USD/tấn; xuất khẩu gần 20 triệu mét khối gỗ rừng trồng; xuất khẩu hạt tiêu đứng đầu thế giới, cà phê đứng thứ hai thế giới, cao su đứng thứ sáu; xuất khẩu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 8 triệu tấn thủy sản cả khai thác tự nhiên và nuôi trồng đạt hơn 40 tỷ USD đến 186 thị trường trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... tạo mối quan hệ ngoại giao nông sản, gắn bó giữa nước ta với các nước; nâng cao dần mức sống của người nông dân từ 10 triệu đồng/người/năm (2009) lên 40 triệu đồng/người/năm (2019) và tỷ lệ hộ nghèo còn có 4,7%.

Phong trào xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30-5-2020 cả nước có 5.177 xã, chiếm 58,2% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong lao động xã hội giảm còn 38,1% năm 2018, thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 78% tổng thu nhập của hộ nông thôn năm 2019; khẳng định Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, vận động nông dân góp công, góp sức và tri thức, thay đổi tư duy và đồng thuận thực hiện ngày càng có kết quả cao trong phong trào thi đua yêu nước. Phong trào nông dân thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và phòng, chống dịch bệnh luôn được duy trì với những kết quả toàn diện; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường.

Thắng lợi của công cuộc cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy của những người nông dân vốn quen với nếp sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ và manh mún của kinh tế hộ gia đình nông dân sang hợp tác liên kết “6 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước, nhà ngân hàng, nhà phân phối) như kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất tại tỉnh Hải Dương, ngày 9-4-2018, thông qua hình thức tổ chức mới Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng ngành nghề-lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng thụ), tạo nên sự tự tin đối với hội viên. Hằng năm, có hơn 3,6 triệu hộ hội viên nông dân đăng ký với hơn 3,5 triệu hộ đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Sự thành công đó là tiền đề để những người nông dân sử dụng cơ hội, tiềm năng lớn: Dân số gần 100 triệu người đang khát vọng đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, có tư duy tự lực, tự cường và sáng tạo, cần cù và chịu khó, yêu nước và đoàn kết; có sinh thái và thổ nhưỡng đa dạng cho phép Việt Nam sản xuất được cả 3 nhóm nông sản (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới), có hàng nghìn giống cây-con và thổ sản quý hiếm; có những vùng quê nông thôn ngày càng giàu đẹp và đáng sống; có hơn 12.000 doanh nghiệp đang đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp và sẽ tiếp tục tăng lên 50.000 doanh nghiệp trong 5 năm tới; có 15.800 hợp tác xã và 40.000 trang trại cùng với 8 triệu hộ nông dân đang xây dựng vùng sản xuất tập trung để đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta đạt được cả 3 mục tiêu cao nhất là năng suất, chất lượng, giá trị theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã dạy: “Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa. Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”. Đó luôn là nhiệm vụ cần kíp để cán bộ ta lúc nào cũng “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, để nông dân “có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”. Tư tưởng đó của Bác Hồ đã và đang được thực hiện một cách tích cực bởi 3 nghị quyết: Số 04-NQ/HNDTW; số 05-NQ/HNDTW, số 06-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) “Về đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp”; “Về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam”; “Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới” nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân, văn minh hóa, hiện đại hóa nông thôn theo phương châm “ly nông không ly hương”.

Trước cơ hội hội nhập sâu rộng theo 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), được mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, thay đổi cách quản trị hay thay đổi về thể chế, pháp luật thì chúng ta cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện xuất phát điểm thấp và thiếu kết nối theo chuỗi giá trị, đòi hỏi Hội Nông dân Việt Nam và mỗi hội viên phải được giải phóng bằng kiến thức của không chỉ là nhà sản xuất mà hơn nữa phải là nhà kinh doanh nông nghiệp, tức là nhà kinh tế trí thức nông nghiệp và phải được đào tạo nghề một cách tập trung với một “cuộc chuyển đổi lớn” về khơi nguồn sáng tạo. Có như vậy, chắc chắn Hội Nông dân Việt Nam cùng các tổ chức chính trị-xã hội và các cấp chính quyền sẽ tạo nên động lực mới của đổi mới phát triển nông nghiệp, nông thôn; hình thành một thế hệ hội viên nông dân đổi mới, tự lực, tự cường vì bạn bè và vì chính sự hùng cường của dân tộc ta.

THÀO XUÂN SÙNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-vai-tro-trung-tam-nong-cot-cho-phong-trao-nong-dan-va-cong-cuoc-xay-dung-nong-thon-moi-640734