Phát huy vai trò người có uy tín trong thực hiện chính sách bảo hiểm

Đây là giải pháp mới, đột phá được Ủy ban Dân tộc và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp thúc đẩy nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bà Trương Thị Hợi, dân tộc Thổ ở xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An thuộc diện được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế do sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Khi đau ốm, dù nhà ở cách xa Trung tâm Y tế huyện tới 14km nhưng bà Hợi vẫn đến đó để thăm khám; được các bác sĩ kê đơn, cho thuốc điều trị lui bệnh hiệu quả. Với bà Hợi, tấm thẻ bảo hiểm y tế được gia đình trân trọng, nâng niu, gìn giữ thật cẩn thận.

 Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Hợi đồng thời là người có uy tín của xóm nên những cảm nhận của bà về bảo hiểm y tế có ảnh hưởng lớn đến bà con trong xóm. Hiện nay, 100% người dân trong xóm nơi bà Hợi sinh sống đều đã có thẻ bảo hiểm y tế và đến bệnh viện điều trị khi ốm đau.

Người có uy tín như bà Hợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là lực lượng quần chúng đặc biệt. Họ có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Chính vì vị trí đặc biệt của người có uy tín nên hiện nay, Ủy ban Dân tộc và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thúc đẩy sáng kiến phát huy vai trò của họ trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Bước đầu, trong tháng 11/2020, theo đồng chí Phạm Thị Thúy Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc cho biết, hai bên đã phối hợp tổ chức 03 hội nghị tập huấn cho người có uy tín các tỉnh: Nghệ An, Lạng Sơn, Vĩnh Long. Tại các hội nghị này, người có uy tín được nghe giới thiệu Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; một số nội dung Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Y tế hộ gia đình… Đặc biệt là những điểm mới, tiến bộ, tạo thuận lợi, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Theo nhận xét của nhiều người có uy tín tại các hội nghị tập huấn, bảo hiểm y tế thì cơ bản bà con đã được thụ hưởng do Nhà nước có chính sách cấp thẻ cho người dân sinh sống tại những địa bàn đặc biệt khó khăn và các hộ nghèo. Riêng về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước đã có nhiều cải cách, nhưng việc chưa quy định chế độ thai sản sẽ gây khó trong việc vận động những người trẻ tuổi tham gia…

Những ý kiến xác đáng đó cho thấy người có uy tín thực sự quan tâm đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Họ quan tâm không chỉ vì quyền lợi của bản thân mà còn muốn nắm rõ để vận động người thân và bà con trong thôn bản tham gia - như ý kiến của ông Lưu Trung Tiến, người có uy tín thôn Bản Giếng, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bày tỏ.

Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta; trong đó, bảo hiểm xã hội là “của để dành” cho người lao động, bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người tham gia khi không may xảy ra ốm đau, bệnh tật.

Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang là “lõi nghèo” của cả nước; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tuổi thọ bình quân thấp hơn bình quân chung của cả nước… rất cần được tạo điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Mặt khác, trong các tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta, nhiều tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, số lượng người có uy tín lớn. Đơn cử như tỉnh Nghệ An, theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải cho biết, toàn tỉnh có 500.000 người dân tộc thiểu số, tương đương dân số của cả tỉnh Bắc Kạn, với trên 1.200 người có uy tín. Vì vậy, việc Ủy ban Dân tộc và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tập huấn cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh là một giải pháp có giá trị thực tiễn cao và cần được mở rộng quy mô ra các tỉnh trong những năm tiếp theo.

Cả nước hiện có trên 33 nghìn người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình thông qua phát huy đội ngũ này sẽ góp phần hiệu quả đưa chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng./.

Tin, ảnh: Phương Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-thuc-hien-chinh-sach-bao-hiem-568709.html