Phát huy vai trò, lợi thế của việt nam

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Nghị viện Qatar Ahmad Bin Abdulllah Al Mahmoud, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta tham dự Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU - 140) và các hội nghị liên quan tại Doha, Qatar từ ngày 6 - 8/4.

Đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch QH dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Đại hội đồng IPU, cho thấy QH Việt Nam rất coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác với IPU cũng như với nghị viện các nước thành viên, qua IPU góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích khu vực.

Đóng góp quan trọng vào gìn giữ hòa bình, phát triển bền vững

Đại hội đồng IPU - 140 được tổ chức đúng vào dịp IPU kỷ niệm tròn 130 năm thành lập (1889 - 2019), trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và chịu nhiều tác động bởi cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng trở nên gay gắt. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, là mong muốn của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nạn khủng bố, xung đột, bạo lực cực đoan, đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng nhiều vấn đề khác tiếp tục đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới. Kinh tế thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc và đứng trước nhiều khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự Phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 138 (IPU-138) tại Genève, Thụy Sỹ năm 2018 - Ảnh: Phạm Thúy

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự Phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 138 (IPU-138) tại Genève, Thụy Sỹ năm 2018 - Ảnh: Phạm Thúy

Là trung tâm hoạt động ngoại giao nghị viện trên khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc, IPU đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vai trò của các cơ chế hợp tác liên nghị viện và cùng với Liên Hợp Quốc (LHQ) thảo luận các giải pháp nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động hợp tác, chương trình nghị sự để củng cố đoàn kết, đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Kể từ năm 2015, với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU - 132 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam, chương trình nghị sự của IPU tại các Đại hội đồng sau đó đã dành ưu tiên cho việc thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác liên nghị viện nhằm kiến tạo môi trường hòa bình và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững như: “Giải quyết tình trạng bất bình đẳng: Bảo đảm phẩm giá và an sinh cho tất cả mọi người” tại IPU - 136; “Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc” tại IPU - 137; “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn” tại IPU - 138; “Vai trò dẫn dắt của Nghị viện trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển trong thời đại sáng tạo và đổi mới công nghệ” tại IPU - 139… Và tại Đại hội đồng IPU - 140 lần này, nghị viện các nước thành viên sẽ tập trung thảo luận về chủ đề “Các nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền”.

Hợp tác chặt chẽ, thực chất

Việt Nam là thành viên chính thức của IPU từ năm 1979. Trong 40 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU; sẵn sàng cùng với IPU và Nghị viện các nước thành viên thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU nhằm góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.

Có thể kể đến nhiều sự kiện quan trọng do Việt Nam đăng cai tổ chức đã nhận được sự đánh giá rất cao của lãnh đạo IPU và các nước thành viên như: Tổ chức thành công Đại hội đồng IPU - 132 tháng 4.2015 với việc IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; và mới đây nhất là Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” tháng 12.2018. Việt Nam là quốc gia đầu tiên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị về các Mục tiêu phát triển bền vững và công bố Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện. Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, người sáng lập Bộ công cụ này đã rất tin tưởng đề xuất QH Việt Nam đi tiên phong trong việc triển khai thực hiện, xem đây là hình mẫu để áp dụng tại nghị viện các nước thành viên.

Tại Đại hội đồng IPU - 139, đại diện QH Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2018 - 2019. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của Nghị viện các nước châu Á - Thái Bình Dương và Ban Chấp hành IPU đối với đại diện của QH nước ta. Với những đóng góp quan trọng vào hoạt động của IPU, các nhà lãnh đạo IPU qua nhiều nhiệm kỳ đều đánh giá Việt Nam là thành viên mẫu mực của IPU; khẳng định, mối quan hệ Việt Nam - IPU là hình mẫu trong quan hệ hợp tác liên nghị viện.

Trên nền tảng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả thực chất như vậy, chuyến tham dự Đại hội đồng IPU - 140 và các Hội nghị liên quan của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam, thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng, Chỉ thị 25 ngày 8.8.2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, tiếp tục góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua việc thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của QH nước ta tại diễn đàn nghị viện đa phương lớn nhất thế giới.

Sự tham dự của người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta tại Đại hội đồng IPU - 140 và các kỳ Đại hội đồng IPU 137, 138 trước đó cũng đã cho thấy QH đặc biệt quan tâm và coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác với IPU cũng như với nghị viện các nước thành viên. Bởi lẽ, với vai trò là đại diện cho người dân ở mỗi quốc gia, các nghị sỹ, nghị viện có động lực hơn ai hết trong việc gìn giữ hòa bình, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho người dân.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=39770