Phát huy vai trò kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã khai mạc trọng thể ngày 12/12, tại Hà Nội.

Bên lề Đại hội, các đại biểu chia sẻ mong muốn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội tiếp tục phát huy vai trò đại diện, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu dự Đại hội tại phiên khai mạc trọng thể 12/12. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Các đại biểu bày tỏ tin tưởng và mong muốn tổ chức Hội tiếp tục phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Đại biểu Vàng Thị Ngùng, dân tộc Lự (Hội Nông dân huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), hội viên nông dân trẻ tuổi nhất tại Đại hội chia sẻ: Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nông dân phải học cách quản trị và biết cách làm ăn, biết liên kết để sản xuất hiệu quả nâng cao thu nhập và đời sống gia đình. Người dân khu vực miền núi chỉ biết trồng rau và ngô. Chị mong muốn giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp ở các địa phương khác để về chia sẻ với người dân trên của hương của mình.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Minh Trưởng cho rằng, ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống, các cấp Hội cần thay đổi phương thức hỗ trợ nông dân hướng đến thoát nghèo bằng nhiều hình thức, như thông qua các tổ, nhóm nông dân nhỏ lẻ, triển khai và phát triển những mô hình mẫu hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Minh Trưởng, Hội Nông dân cần cung cấp những thông tin về thị trường nông sản, mô hình sản xuất mới để nông dân kịp thời nắm bắt; giới thiệu những mô hình thực tế để nông dân trực tiếp trải nghiệm, mới đem lại hiệu quả cao chứ không chỉ thông qua hình thức tuyên truyền. Cách làm đó sẽ khiến nông dân thấy được hiệu quả mang lại và sẽ tin tưởng làm theo. Chính những nông dân tham gia vào mô hình đó sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất vận động đồng bào và nông dân còn lại cùng tham gia.

Phân tích về vai trò của các cấp Hội trong việc hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất, đại biểu Phạm Đức Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho rằng, thời gian qua, hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã đem lại hiệu quả giúp hội viên nông dân thoát nghèo. Hội Nông dân các cấp cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo dạy nghề cho nông dân, nhất là những vùng dân tộc ít người. Bởi quá trình đào tạo dạy nghề đã đem lại hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, tuy nhiên nông thôn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Các nhóm đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc, mong muốn, thời gian tới, công tác dạy nghề phải thiết thực, gắn với điều kiện cụ thể cũng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn

Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Lý báo cáo tóm tắt kết quả công tác của Trung ương Hội nông dân Việt Nam khóa VI tại phiên khai mạc trọng thể 12/12. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Trạch đề nghị, Hội cần nghiên cứu đề xuất thành lập một ngân hàng, có thể ở dạng thu nhỏ để quản lý và vận hành Quỹ hỗ trợ nông dân hiệu quả và tránh thất thoát. Cùng với đó, ở địa phương cần bổ sung thêm cán bộ chuyên trách để quản lý, vận hành Quỹ hỗ trợ nông dân cho hiệu quả. "Hiện nay ở Vĩnh Long, chỉ có 3 cán bộ Hội mà lo đủ mọi việc nên việc quản lý Quỹ này gặp rất nhiều khó khăn", ông Trạch nêu ý kiến.

Ông Đinh Duy Sung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Về chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân bình quân tăng 10%/năm trở lên, có 100% cấp Hội sử dụng có hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân là rất khó, cần tính toán lại. Tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi nghèo khó, việc tăng trưởng Quỹ hàng năm gặp rất nhiều khó khăn. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tính toán lại cơ chế hỗ trợ nông dân cho hiệu quả hơn.

Bên lề Đại hội, nhiều đại biểu mong muốn các cấp Hội Nông dân tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất. Để bảo vệ lợi ích hội viên, các cấp Hội cần tham gia quản lý tốt đầu vào vật tư nông nghiệp, tránh những tổn thất cho nông dân. Các cấp Hội có nhiều hơn nữa chương trình hoạt động để gắn kết hội viên nông dân; có thêm hoạt động thiết thực, giúp đỡ trực tiếp giúp nông dân thấy được quyền và lợi ích của mình trong tham gia phát triển kinh tế xã hội.

Nhấn mạnh vấn đề này trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đã khẳng định, các cấp Hội phải đứng ra làm “trọng tài” để giải quyết vấn đề tiêu dùng, hợp tác và kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, ngoài xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội Nông dân Việt Nam phải xác định các khâu đột phá và chỉ ra được những hạn chế hiện nay trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, đề ra những giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế. Việc tăng cường hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân cần phải mang tính pháp lý. Đây cũng chính là mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng hội viên, nông dân...

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-ket-noi-giua-nong-dan-va-doanh-nghiep-20181212171107328.htm