Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân

Tại phiên giải trình do HĐND TP Hà Nội tổ chức ngày 5/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nghiêm túc tiếp thu những nội dung các đại biểu đã chất vấn và cho biết: UBND TP sẽ tiếp tục đôn đốc các sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm túc tất cả những nội dung mà các đại biểu HĐND TP nêu .

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh:TH)

“Truy” trách nhiệm các dự án chậm tiến độ

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Các đại biểu cho rằng, Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên - Bích Hòa (huyện Thanh Oai) đang triển khai chậm. Sau xử lý các dự án vi phạm Luật Đất đai, nhiều diện tích đất có quyết định thu hồi vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tiếp diễn sử dụng sai mục đích, chưa có phương án sử dụng hiệu quả, như khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). Công tác duy tu hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, kênh mương thủy lợi… chưa kịp thời, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cuộc sống người dân. Trạm xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) sau 5 năm thi công vẫn chưa đi vào hoạt động; Trạm xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) chưa được khởi công. Những vụ việc trên cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và phương hướng giải quyết…

Trả lời các đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên - Bích Hòa chậm triển khai do doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của các sở, ngành và không phối hợp với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng. Trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư trong việc phối hợp, chứng minh năng lực, cung cấp hồ sơ để báo cáo các sở, ngành phê duyệt.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, dự án trên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo Nghị định số 68/2017/NĐ của Chính phủ, Sở Công Thương là đầu mối lấy ý kiến các sở, ngành, phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục thẩm định để báo cáo UBND TP xem xét điều chỉnh, phấn đấu trong năm 2020 này sẽ hoàn thành xong thủ tục.

Cũng liên quan đến Dự án cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, vướng mắc của dự án này vẫn là giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, do hợp nhất năm 2008 nên cụm này nằm trong danh mục phải rà soát. Đồng thời, một số cơ chế chính sách có sự thay đổi nên phải rà soát lại và chủ đầu tư phải thực hiện theo. Hiện, giấy chứng nhận đầu tư của chủ đầu tư đã hết hạn. Năm 2018, chủ đầu tư mới đề xuất khởi động lại dự án và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời giấy chứng nhận đã hết hạn. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo nghị định mới của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ của cụm và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành. Đến nay, Sở Công Thương đã có văn bản báo cáo TP cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư và cụm công nghiệp này đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ.

Về vấn đề chậm xử lý sự cố thoát nước, chiếu sáng, cây xanh tại một số địa phương, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý duy trì của đơn vị cung cấp dịch vụ công ích, công tác giám sát của ban duy tu. Công tác phối hợp của Sở với các địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ cũng chưa kịp thời, nhất là trong chế độ thông tin, tiếp nhận phản ánh và xử lý sự cố.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trao đổi tại phiên giải trình. (Ảnh: TH)

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trao đổi tại phiên giải trình. (Ảnh: TH)

Một số nội dung liên quan đến việc tranh chấp đất đai tại Thạch Thất, Hà Đông cũng được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi và được giải trình…

Giải quyết hơn 94% kiến nghị của cử tri

Phát biểu tại phiên giải trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nghiêm túc tiếp thu những nội dung các đại biểu đã chất vấn và cho biết: UBND TP sẽ tiếp tục đôn đốc các sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm túc tất cả những nội dung mà các vị đại biểu HĐND TP đã nêu ra.

Trong đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, về vấn đề khiếu nại, tố cáo của người dân, đến nay, TP đã giải quyết hơn 94% các nội dung kiến nghị của cử tri thông qua đại biểu HĐND TP và đại biểu Quốc hội. Trong thời gian tới, UBND TP sẽ giao cho các cơ quan tiếp tục thực hiện đúng các lịch tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc. Bên cạnh đó, Thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với Tòa án Nhân dân TP xử lý, xét xử những vụ việc khiếu kiện phức tạp; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP để tổ chức tốt các tổ hòa giải ở các phường, xã.

Liên quan đến sự phát triển các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội hiện có 1.358 làng nghề. Trong hơn 1 năm qua, TP đã hoàn thành xây dựng, giải phóng mặt bằng tổng cộng 43 Cụm công nghiệp làng nghề. Tới đây, vào ngày 27/6/2020, TP Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, trong đó, sẽ trao 23 giấy chứng nhận cho các chủ đầu tư xây dựng cụm, công nghiệp làng nghề. Trong đó, theo quy hoạch các cụm công nghiệp này được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và không được chuyển các gia đình ở các làng nghề ra đây để sinh sống mà chỉ được để xây dựng các nhà xưởng sản xuất…

Liên quan đến công tác thoát nước, môi trường, cắt tỉa cây xanh, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã tập trung giải quyết được vấn đề bức xúc như: ô nhiễm tại những ao, hồ trên địa bàn TP. Đến nay, đã xử lý được 90 hồ ô nhiễm nặng và trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước để ứng dụng công nghệ mới nhằm xử lý triệt để ô nhiễm trên các ao, hồ trên địa bàn…

Về xây dựng nhà ở khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Đuống, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay, vướng Luật Đê điều nên không thể xây dựng đủ các công trình thiết yếu điện, đường, trường, trạm ở khu vực này, do đó, chất lượng sống của người dân khu vực này bị ảnh hưởng. TP đang tích cực xây dựng quy hoạch phân lũ và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, khi đó, toàn bộ dân cư ở khu vực ngoài đê mà sau khi có quy hoạch là trong đê mới có điều kiện xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu. Trong tháng 4 vừa qua, tập thể Ban Cán sự Đảng UBND TP đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn các quận, huyện cho các hộ dân có sổ đỏ được xây dựng nhà, bước đầu giải quyết bức xúc cho người dân.

Quang cảnh phiên giải trình. (Ảnh:TH)

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời, đôn đốc các tập thể, các thanh tra TP là những đơn vị và cùng Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra công vụ để đôn đốc trách nhiệm của các lãnh đạo chính quyền các cấp cũng như của các sở, ngành. Trong đó, sớm hoàn thiện hệ thống Smart City để tiếp nhận phản ánh của người dân được kịp thời.

Phát huy vai trò giám sát của các tầng lớp Nhân dân

Bế mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, tại phiên giải trình đã có 12 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 15 lượt lãnh đạo UBND TP, các sở, ban, ngành, quận, huyện trả lời. Thường trực HĐND TP cảm nhận rõ điểm mới của phiên giải trình, đó là, người hỏi nêu rõ nội dung, đúng trọng tâm, rõ địa chỉ. Phần trả lời cũng đã nhận rõ trách nhiệm, rõ lộ trình khắc phục và thời gian giải quyết. Qua đó, hoạt động giải trình, chất vấn của HĐND TP ngày càng thể hiện hiệu quả hơn, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ sát hơn.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND TP đã đi vào cuộc sống và HĐND TP đã cập nhật tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để các đại biểu HĐND TP giám sát. HĐND TP đã thực hiện 8 cuộc giám sát, 2 phiên giải trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua giám sát, khảo sát cho thấy, việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn có tiến bộ nhưng còn chậm. Nguyên nhân chậm chủ yếu ở cấp quận, huyện là do sự phối kết hợp giải quyết chưa chủ động, chưa quyết liệt.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu bế mạc phiên giải trình. (Ảnh:TH)

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên rà soát, tiếp thu kiến nghị của cử tri thông qua các kênh; phân loại, phân công, phân cấp để xử lý thỏa đáng các kiến nghị của cử tri. Hiện tại còn tồn đọng gần 200 vụ việc, đa số liên quan đến các quận, huyện, vì thế, UBND TP cần chỉ đạo trực tiếp, tăng cường đối thoại với người dân, đồng thời, tăng cường cải cách hành chính trong giải quyết đơn thư. Các đại biểu HĐND TP cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát trong lĩnh vực này và mong muốn cử tri cùng đồng hành giám sát các cơ quan thực thi, giải quyết các vụ việc…./.

Thu Hà

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-giam-sat-cua-nhan-dan-556476.html