Phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong phát triển kinh tế ở Lang Chánh

Cùng với phong trào tình nguyện, chung sức vì cộng đồng; nhiều năm qua, phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế ở huyện Lang Chánh không ngừng phát triển với nhiều mô hình kinh tế phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình chăn nuôi gà thịt của đoàn viên Phạm Hồng Sơn, thôn Giàng Vìn, xã Trí Nang.

Đồng chí Lê Minh Châu, Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh, cho biết: Những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện luôn ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vừa tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển gia trại, trang trại và sản xuất, kinh doanh. Ðến nay, đã giải ngân trên 50 tỷ đồng, cho 1.318 hộ gia đình ĐVTN vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, hằng năm, các cấp bộ đoàn trong huyện còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, xây dựng gia trại, trang trại, kỹ thuật nuôi trồng cho hàng trăm ĐVTN. Trong năm 2019, Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và Giới thiệu việc làm thanh niên Thanh Hóa, tổ chức lớp tập huấn tư vấn hướng nghiệp, việc làm cho 80 cán bộ đoàn cơ sở và bí thư chi đoàn thôn, bản, tổ phố; mở 2 lớp đào tạo nghề cho 70 ĐVTN tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Với sự quan tâm trên, tại nhiều cơ sở đoàn, ĐVTN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế dịch vụ, ngành nghề truyền thống của địa phương. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp bộ mặt nông thôn tại nhiều vùng quê trên địa bàn huyện đổi thay.

Theo thống kê, ngoài những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, trên địa bàn huyện có gần 30 mô hình phát triển kinh tế quy mô lớn của ĐVTN, cho thu nhập từ 80 triệu đồng/năm trở lên và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gà của đoàn viên Phạm Hồng Sơn (thôn Giàng Vìn, xã Trí Nang). Anh Sơn cho biết: Để trả lời câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao trên chính mảnh đất quê hương, là một thách thức đối với tôi, nhất là trong điều kiện vốn liếng thiếu thốn. Sau khi tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi, cuối năm 2019 tôi quyết định phát triển mô hình nuôi gà thịt. Hiện nay, trại gà của gia đình có quy mô 5.000 con. Với sự hỗ trợ vay vốn từ tổ chức đoàn, trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi lên 10.000 con gà thịt. Cùng với mô hình nuôi gà của anh Sơn, mô hình HTX chăn nuôi gà Hán Sơn Dương (ở thị trấn Lang Chánh), cũng là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của ĐVTN huyện Lang Chánh. Ngoài thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/năm, HTX còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 40 lao động. Hay như, mô hình trồng rau an toàn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm của đoàn viên Phạm Tiến Văn (phố Lê Lai, thị trấn Lang Chánh). Mô hình này cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 8 lao động địa phương. Mô hình than tre hoạt tính tại xã Tân Phúc của đoàn viên Lê Đức Thiếp, với doanh thu hằng năm đạt 150 triệu đồng, tạo việc cho 6 lao động...

Có thể thấy, tuy còn gặp nhiều khó khăn, tác động từ nhiều yếu tố như, thời tiết, vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm... song phong trào phát triển kinh tế của ĐVTN trên địa bàn huyện Lang Chánh đang từng bước đi vào cuộc sống, tạo ra những hiệu quả nhất định. Hiện nay, thay vì phải đi làm ăn xa, nhiều ĐVTN đã lựa chọn và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đặc biệt, nhiều ĐVTN là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con mới, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại thu nhập cao, mở ra hướng làm giàu mới. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Huyện đoàn Lang Chánh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên nói chung, phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế nói riêng. Phối hợp với ngành chức năng tạo điều kiện về vốn, tiến bộ khoa học - kỹ thuật và xây dựng các mô hình điểm để tổ chức đoàn thực sự đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp. Cùng với đó, quan tâm, chỉ đạo các cơ sở đoàn dành thời gian cho ĐVTN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu chính đáng, tìm cách giúp đỡ ĐVTN tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo thông qua các buổi sinh hoạt đoàn...

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-huy-vai-tro-cua-to-chuc-doan-trong-phat-trien-kinh-te-o-lang-chanh/115832.htm