Phát huy vai trò của thị trường chứng khoán phái sinh

Sau một năm chính thức đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) ở nước ta đạt được những kết quả rất đáng khích lệ về quy mô giao dịch cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ngoài việc tạo ra các sản phẩm đầu tư mới, TTCKPS còn là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả cho thị trường cơ sở, góp phần tiếp tục hoàn thiện cấu trúc hoạt động thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục

Sau hơn một năm triển khai, hoạt động giao dịch của TTCKPS diễn ra suôn sẻ, ổn định và tăng trưởng tốt. Khối lượng giao dịch bình quân một phiên tăng trưởng ấn tượng, từ mức 10.954 hợp đồng/ngày vào cuối năm 2017 lên mức 62.979 hợp đồng/ngày trong năm 2018, gấp 5,75 lần so với năm 2017. Tính đến hết ngày 13-9-2018, tổng khối lượng giao dịch của thị trường đạt 12.064.748 hợp đồng. Khối lượng vị thế mở (OI) toàn thị trường đạt 15.366 hợp đồng, gấp 1,9 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và gấp 76 lần so với ngày đầu khai trương thị trường. Đặc biệt, kể từ thời điểm tháng 5-2018, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh và đến ngày 13-9 đã đạt 30.971 hợp đồng, gấp 13,34 lần tổng khối lượng giao dịch của khối ngoại trong năm 2017.

Hoạt động kiểm phiếu đấu giá doanh nghiệp cổ phần hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: HẢI LONG.

Hiện có khoảng 90% nhà đầu tư trên thị trường cơ sở là nhà đầu tư cá nhân, trong khi con số này tại thị trường phái sinh lên tới hơn 95%. Công tác giám sát trên TTCKPS được triển khai và thực hiện tốt ngay từ khi thị trường bắt đầu đi vào hoạt động với đầy đủ hệ thống các tiêu chí giám sát và được tăng cường trong bối cảnh có những biến động mạnh tại thị trường cơ sở thời gian qua. Ngoài ra, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cùng phối hợp xây dựng cơ chế giám sát liên thị trường nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tác động, thao túng trên thị trường cơ sở để hưởng lợi trên TTCKPS và ngược lại.

Ông Allen Lin, Phó tổng giám đốc điều hành của Sở Giao dịch hợp đồng tương lai Đài Loan và TS Chakkaphan Tirasirichai, Giám đốc phòng phát triển sản phẩm, Sở Giao dịch tương lai Thái Lan đều đánh giá TTCKPS Việt Nam tuy chỉ mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng đã có sự tăng trưởng đáng chú ý. Đài Loan phải mất 6 năm kể từ khi khai trương (giai đoạn 1998 đến 2004) mới đạt được khối lượng hợp đồng giao dịch bằng mức của Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HNX đánh giá, TTCKPS đã có những bước phát triển đáng kể, đúng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ. Sự vận động và thanh khoản của thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế. TTCKPS đã phát huy tốt 3 vai trò của mình là: Phòng ngừa rủi ro, giữ chân các dòng tiền trên thị trường chứng khoán; là công cụ đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn và bình ổn, điều tiết thị trường cơ sở.

Hoạt động tư vấn môi giới chứng khoán tại Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: ĐÌNH TÚ.

Mối quan hệ tương hỗ với thị trường chính

Chia sẻ về mối quan hệ giữa TTCKPS và thị trường cơ sở, ông Nguyễn Quang Thương, Vụ Phát triển thị trường chứng khoán Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, TTCKPS có tác động qua lại với thị trường cơ sở. Tại một số thời điểm, có thể có sự dịch chuyển vốn từ thị trường cổ phiếu sang TTCKPS nhưng không có sự rút vốn khỏi thị trường chứng khoán. Nếu như trước đây chưa có TTCKPS, vào những thời điểm thị trường chứng khoán giảm sâu, nhà đầu tư thường có xu hướng rút vốn ra khỏi thị trường thì hiện nay họ sẽ chuyển sang TTCKPS với hy vọng giá chứng khoán sẽ không giảm mãi và chờ đợi đến khi phục hồi. Có thể nói, TTCKPS chính là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng họ rút khỏi thị trường chứng khoán khi thị trường cơ sở sụt giảm. Dữ liệu thực tế tại các thị trường quốc tế cho thấy, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh thì thanh khoản trên thị trường phái sinh sẽ tăng mạnh. Ngược lại, khi thị trường cơ sở tăng điểm trở lại thì thanh khoản trên thị trường phái sinh giảm.

Chia sẻ về yếu tố thành công trong quá trình phát triển TTCKPS Đài Loan, ông Allen Lin cho rằng yếu tố quan trọng nhất là cần có thị trường cơ sở phát triển. Đồng thời phát triển nhiều kênh đầu tư, áp dụng cơ chế tạo lập thị trường, nắm bắt xu hướng giao dịch điện tử, nỗ lực trong công tác tuyên truyền đào tạo, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Theo TS Chakkaphan Tirasirichai thì thành viên, sản phẩm, hạ tầng công nghệ và tiêu chuẩn vận hành là các nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng đến công tác đào tạo thành viên và nhà đầu tư; phát triển đa dạng sản phẩm; sử dụng hệ thống giao dịch và thanh toán của các nhà cung cấp hàng đầu thế giới; xây dựng quy tắc giao dịch và thanh toán phù hợp thông lệ quốc tế.

Tăng cường tính minh bạch của thị trường

Trao đổi với chúng tôi, TS Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, bên cạnh những thành công đạt được, TTCKPS vẫn tồn tại một số hạn chế. Đầu tiên là đại đa số các nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường là các nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, vai trò về chức năng phòng ngừa rủi ro của các tổ chức, trung gian tài chính chưa được phát huy. Các giao dịch mang tính chất ngắn hạn (đáo hạn trong ngày) phản ánh tính chất đầu cơ của các nhà tham gia thị trường. Thứ hai, số lượng các loại hợp đồng phái sinh được giao dịch còn ít (hiện tại mới chỉ có 4 loại hợp đồng dựa trên chỉ số VN30 Index) và chỉ số VN30 Index có nhiều thời điểm chịu tác động của một số cổ phiếu có vốn hóa lớn nhưng khối lượng giao dịch thấp. Do vậy, chỉ số này có thể bị thao túng giá từ thị trường cơ sở và gây ra ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường phái sinh. Cuối cùng, chưa có nhà tạo lập thị trường cho các sản phẩm hiện tại và trong tương lai.

Đầu tháng 8-2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phê duyệt mẫu sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Trong thời gian tới, HNX sẽ hoàn thiện các bước chuẩn bị cuối cùng để có thể đưa sản phẩm này vào giao dịch. Ngoài ra, HNX tiếp tục phối hợp với HOSE để hoàn thiện Bộ Nguyên tắc chỉ số VNX 200, làm cơ sở triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VNX200. Theo TS Đặng Anh Tuấn, để TTCKPS tiếp tục phát huy vai trò của mình thì cần tập trung vào các giải pháp: Phát triển sản phẩm phái sinh mới như hợp đồng tương lai đối với trái phiếu Chính phủ; phát triển sản phẩm dựa trên chỉ số mới để phản ánh tốt hơn tình hình chung của thị trường; tăng cường công tác giám sát thị trường, ngăn chặn tình trạng thao túng giá; phát huy tính minh bạch của thị trường để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư; tiếp tục hoàn thiện cấu trúc thị trường, nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển những nhà tạo lập thị trường đối với các sản phẩm phái sinh.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN VIỆT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-vai-tro-cua-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-551278