Phát huy vai trò của nghệ nhân trong cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạnh công nghiệp (CMCN) 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho làng nghề. Trong đó, quan trọng hơn cả là việc làm thế nào phát huy được nguồn lực nghệ nhân - linh hồn của các làng nghề Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tác động lớn tới sự thay đổi của làng nghề

Ông Fumio Kato – Giám đốc dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch” trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA – đã có những chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế “Tác động của CMCN 4.0 đối với các làng nghề trong quá trình hội nhập quốc tế”, vừa được Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – tổ chức tại Hà Nội.

Nghệ nhân yếu thế trong chuỗi cung ứng

Đến Việt Nam gần 40 lần trong vòng 12 năm qua - ông Fumio Kato - cho hay, mục tiêu của các dự án Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch mà phía JICA triển khai nhằm giúp cải thiện sinh kế cho người nông dân. "Chúng tôi nhận thấy rằng, có một nhóm đối tượng sinh kế bị ảnh hưởng rất nhiều, đó chính là đối tượng nghệ nhân làng nghề", ông Fumio Kato nói.

Ông Fumio Kato nhấn mạnh: CMCN 4.0 sinh ra từ Đức, nơi có nền công nghiệp già, có nhiều đặc điểm giống Nhật, khi người già càng nhiều, thanh niên ít đi, bắt buộc họ dựa nhiều hơn vào trí tuệ nhân tạo, vào máy móc, công nghệ,… để thay thế cho con người. Đây là đặc điểm riêng và khác biệt của các nước như Đức, Nhật Bản, các nước tư bản già so với các nước như Việt Nam.

Trở lại đối với các làng nghề Việt, ông Fumio Kato đặt câu hỏi, Việt Nam các bạn nhảy đến 4.0 hay bay đến 4.0…"Nhưng điều tôi muốn nói đó là cũng giống như Đức, họ đề cập đến CMCN 4.0 dựa trên những nền tảng công nghệ kỹ thuật, cơ khí, khoa học kỹ thuật của họ. Các bạn sẽ chẳng đến 4 chấm mấy nếu các giá trị truyền thống không giữ được”, ông Fumio Kato khuyến cáo.

Nghệ nhân, thợ giỏi là linh hồn của làng nghề

Cùng với việc lưu giữ giá trị truyền thống, việc khắc phục những nhược điểm cố hữu đã và đang tồn tại ở các làng nghề Việt cũng cần được đẩy mạnh.

Chính việc không có thói quen ghi chép số liệu xem mình đã làm gì và làm như thế nào, sản phẩm đó được tiêu thụ ra sao, ai mua, mua vào lúc nào sẽ khiến các làng nghề, các nghệ nhân không rút được kinh nghiệm cho những lần sản xuất sau. Chưa kể sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Việt phần lớn là to, nặng, mẫu mã đơn điệu làm cho những người du khách du lịch không muốn mua cho dù kỹ thuật làm ra nó là những kỹ thuật hàng đầu thế giới.

Đáng chú ý, nhược điểm cực lớn của các làng nghề là không bao giờ giữ được thời hạn giao hàng. Chưa kể tiêu chuẩn chất lượng với sự khác biệt về chất lượng và sai số chất lượng cực lớn.

Phân tích thực tế, thông qua phỏng vấn trực tiếp đối với làng nghề, ông Fumio Kato cho hay, nguyên nhân các nghệ nhân, thợ làng nghề làm như vậy là do, trong chuỗi cung ứng, họ không được tham gia trực tiếp và qua thương lái trung gian. Các nghệ nhân không biết sản phẩm cuối cùng bán cho khách nào, được bao nhiêu tiền và khi có các khiếu lại về sản phẩm, không hài lòng thì hoàn toàn dừng lại ở thương lái trung gian và bản thân các nghệ nhân hoàn toàn bị động.

“Trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm, người nghệ nhân là người đứng hàng đầu và là thượng nguồn của chuỗi cung này, nhưng những giá trị được chia sẻ lại cho họ lại rất ít”, ông Fumio Kato cho hay.

Thông tin phản hồi lại họ rất yếu và mỏng, thu nhập phân bổ lại cho họ rất thấp. Đây là lý do, rất nhiều nghệ nhân các làng nghệ không sống được với nghề. Và khi tốc độ đô thị hóa công nghiệp hóa nhanh với hàng loạt các khu công nghiệp xuất hiện, sẽ cạnh tranh trực tiếp với nguồn lao động tại các làng nghề. Điều này lý giải, rất nhiều thế hệ sau không lối nghiệp bố mẹ, và trở thành những người công nhân với đồng lương không khá hơn nhiều.

Nhược điểm cực lớn đó là các bạn không bao giờ giữ được thời hạn giao hàng

Vị chuyên gia này khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế nào đó cho các nghệ nhân trực tiếp hoặc gián tiếp để họ chủ động hoặc bị động cũng được thay đổi sinh kế đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Hà Nội và các địa phương khác cần phải rất sớm làm điều này.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/phat-huy-vai-tro-cua-nghe-nhan-trong-cach-mang-cong-nghiep-4-0-15772.html