Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Xác định việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động nhân dân, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực triển khai hoạt động này. Đồng thời, thông qua việc tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt hơn vai trò của mình vào thực thi pháp luật, bảo vệ và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Một số kết quả trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

1. Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định Mặt trận có quyền và trách nhiệm: “Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”, đây chính là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho hoạt động của Mặt trận trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua nhiều đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về kiểm soát quyền lực... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tố cáo...

Đồng thời, trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức thực hiện 2 đề án về tuyên truyền, phổ biến pháp luật: "Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư" (Đề án 02-212); "Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013 - 2016" (Đề án 02-1133). Việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án: "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-MTTW-BTT ngày 14/11/2019 về triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021 trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến khu dân cư. Tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần cải thiện tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng, đến nay hầu hết các tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

2. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các nội dung hình thức phù hợp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động; vận động các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Gia đình không có ma túy và tệ nạn xã hội”; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng “Nông thôn mới”, “Khu phố, làng văn hóa” phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tuyên truyền, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nội dung, chương trình hoạt động tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, đội thông tin lưu động, câu lạc bộ pháp luật. Do vậy, nhiều tổ chức thành viên triển khai thực hiện các mô hình tuyên truyền phổ biến hiệu quả như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với "Ngôi nhà bình yên", "Tổ tư vấn cộng đồng tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp"; Hội Nông dân Việt Nam với mô hình "Nông dân với pháp luật", "Trung tâm tư vấn pháp luật"; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với "Tổ tuyên truyền pháp luật khu nhà trọ”… Đồng thời, tác động đến cá nhân trong cộng đồng dân cư thực hiện việc dồn điền, đổi thửa; bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án; an toàn giao thông. Kết quả tuyên truyền, vận động nhân dân đã góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

3. Tuyên truyền pháp luật thông qua vận động nhân dân hưởng ứng Ngày Pháp luật và tuyên truyền pháp luật, gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó hướng dẫn lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật vào tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, do vậy tại các khu dân cư trong các phần "Lễ" hoặc "Hội" của Ngày hội Đại đoàn kết đều tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua thi tìm hiểu pháp luật, thi hái hoa dân chủ, sân khấu hóa hoặc tuyên truyền thông qua trực quan sinh động bằng hình ảnh những nội dung chủ yếu về hôn nhân gia đình, an toàn giao thông, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường về hòa giải ở cơ sở... Đây là sáng kiến thiết thực, hiệu quả cao được nhiều địa phương triển khai thực hiện và được đông đảo nhân dân hưởng ứng.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật tại cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực tiếp tuyên truyền hàng chục các văn bản quy phạm pháp luật đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan. trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; các văn bản pháp luật liên quan đến biển, đảo… và các văn bản liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là các văn bản pháp luật gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và đời sống cán bộ, công chức, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý trong cán bộ, công chức, người lao động.

4. Tuyên truyền pháp luật thông qua triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với các hình thức giám sát và phản biện xã hội của các cấp Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở cũng là phương thức phổ biến pháp luật có hiệu quả. Với vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai công tác hòa giải ở cơ sở. Hòa giải viên đồng thời là các tuyên truyền viên pháp luật là cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận trực tiếp tham gia tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đến địa bàn khu dân cư. Chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

5. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên các cơ quan truyền thông của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như: Cổng thông tin điện tử, Truyền hình Mặt trận, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận; chương trình bồi dưỡng đào tạo cán bộ Mặt trận. Trong đó, tập trung xây dựng các bài viết, bài nói, bài giảng và biên tập cuốn Sổ tay công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cuốn “Hỏi đáp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đã được phát hành hàng vạn bản, góp phần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ làm công tác Mặt trận và đông đảo người dân quan tâm.

Một số giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới

Một là, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở cơ sở phát huy vai trò, hiệu quả của các câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt, kết hợp giữa phổ biến pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

Hai là, tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp hoạt động của các thành viên Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật vào hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đoàn thể, vận động toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân tham gia và công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Ba là, tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động “Ngày Pháp luật" gắn với "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân" hàng năm, phát huy đa dạng các hình thức phổ biến pháp luật, tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, tuyên truyền thông qua họp dân, hội nghị giao ban, sinh hoạt chuyên đề, sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Bốn là, nâng cao chất lượng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong hệ thống Mặt trận, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tiếp cận pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai tuyên truyền pháp luật. Đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở, kịp thời tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Ngô Sách Thực

Thạc sĩ, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-va-cac-to-chuc-thanh-vien-trong-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-33935.html