Phát huy vai trò của mạng lưới thú y cơ sở

Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng đầu cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, để bảo vệ đàn vật nuôi, khống chế dịch bệnh, vai trò của mạng lưới thú y cơ sở rất quan trọng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn.

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Ảnh: Quỳnh Dung

- Xin ông đánh giá về vai trò, hiệu quả của mạng lưới thú y cơ sở trong bối cảnh hiện nay?

- Hiện nay, tổng đàn gia cầm của thành phố là 36,5 triệu con; đàn lợn khoảng hơn 1,3 triệu con (trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi có 1,87 triệu con); đàn trâu, bò 153 nghìn con. Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của mạng lưới thú y cơ sở (thôn, xã, phường, thị trấn…). Toàn thành phố có 579 cán bộ thú y phụ trách xã, phường, thị trấn; 2.181 cán bộ thú y thôn, bản. Thời gian qua, mạng lưới thú y cơ sở phát huy vai trò quan trọng trong việc tham mưu chính quyền địa phương tổ chức, triển khai, quản lý tốt tình hình dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát triển chăn nuôi, hằng ngày trực tiếp giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại cơ sở.

Bên cạnh đó, lực lượng này tham gia thống kê đàn gia súc, gia cầm, số hộ chăn nuôi; triển khai tiêm phòng số lượng gia súc, gia cầm hiện có (kể cả tiêm phòng đại trà, tiêm phòng bổ sung); tổng tẩy uế môi trường, khám chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại địa phương; thực hiện và phối hợp thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; tham gia quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn.

- Hiện nay, việc phát triển mạng lưới thú y cơ sở còn gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

- Có thể nói, quá trình hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở hiện nay gặp không ít khó khăn do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ; nhiều cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ. Toàn thành phố có 738 cơ sở, điểm giết mổ; trong đó chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp, 673 cơ sở giết mổ thủ công… Vấn đề này đòi hỏi lực lượng thú y, trong đó có lực lượng thú y xã, phường, thị trấn phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, tại một số địa phương, lãnh đạo chưa quan tâm chỉ đạo, giao cho cán bộ thú y thực hiện; thiếu kiểm tra đôn đốc nên hiệu quả hoạt động chuyên môn còn thấp.

Ngoài ra, một số thú y cơ sở chưa tâm huyết, chưa gắn bó với nghề, thụ động trong công việc, chuyên môn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả chung; hệ thống thú y cơ sở có nhiều biến động, thay đổi nhanh và không đồng bộ, nhất là tại cấp huyện, xã, phường, thị trấn… Chế độ đãi ngộ, công, phụ cấp cho người lao động chưa ổn định nên đội ngũ cán bộ thú y cơ sở chưa yên tâm cống hiến với nghề. Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên rất mong Chính phủ, Bộ NN&PTNT, thành phố sớm ban hành cơ chế, chính sách và quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.

- Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, mạng lưới thú y cơ sở cần thực hiện nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Dự báo thời gian tới, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh truyền lây giữa người và động vật có xu thế gia tăng, nguy cơ bùng phát cao như: Cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi… Vì vậy, đòi hỏi lực lượng cán bộ thú y cơ sở cần sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ. Về phía ngành Thú y Hà Nội, tiếp tục tham mưu thành phố duy trì hệ thống mạng lưới thú y cơ sở; đồng thời mở các lớp nâng cao năng lực chuyên môn; tiếp tục đề xuất thành phố tăng cường đầu tư trang thiết bị chuyên ngành để mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự phát triển của ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/977048/phat-huy-vai-tro-cua-mang-luoi-thu-y-co-so