Phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu càng đòi hỏi các ngành hàng, lĩnh vực phải thích ứng nhanh, tận dụng tốt lợi thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất. Những nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là giải pháp quan trọng để nông sản Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp, sẽ giúp thay đổi phương thức sản xuất, rút ngắn thời gian và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giải quyết nhiều thách thức đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn lực như đất đai, lao động, năng lượng tự nhiên… Công nghệ 4.0 dự báo sẽ tác động tới tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của các mặt hàng nông sản từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2016-2020, Bộ đã công nhận 210 giống cây trồng, vật nuôi mới, 169 tiến bộ kỹ thuật. Các giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới... đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế.

Điển hình như lúa, các giống lúa do Việt Nam chọn tạo đã được đưa vào sản xuất với gần 5 triệu ha, chiếm 65% diện tích gieo trồng lúa cả nước. Các giống cà phê đột phá về năng suất, đạt từ 2,5 - 3 tấn nhân/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê thế giới. Hay giá trị gia tăng do khoa học công nghệ đóng góp cho ngành thủy sản rất nổi bật, điển hình là công nghệ chọn tạo và sản xuất cá tra, đưa sản lượng cá tra đạt trên 1 triệu tấn/năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%; góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, để phát triển khoa học công nghệ cần đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận nguồn lực.

Các cơ quan chức năng cần sớm xác lập quyền tài sản như: nhà lưới, nhà màng, nhà kính… trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn; mở rộng các tiêu chuẩn để có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất; xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, khuyến khích hình thành các cơ sở nghiên cứu, các viện gắn với doanh nghiệp. Cùng với đó là xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến hay cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Phương Mai

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/phat-huy-vai-tro-cua-khoa-hoc-cong-nghe-trong-san-xuat-nong-nghiep-d180207.html