Phát huy vai trò của hội đồng trường

Việc thành lập hội đồng trường (HĐT) là xu hướng tất yếu và được coi là một trong những yếu tố quyết định trong nâng cao quyền tự chủ, tăng giám sát và giải trình với xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH). Tuy nhiên, quá trình áp dụng cơ chế HĐT trong GDĐH nước ta còn mới và thực hiện chưa triệt để.

Để nâng cao hiệu quả tự chủ của các cơ sở GDÐH, Luật GDÐH cũng như hệ thống văn bản pháp quy đều đòi hỏi các trường khi tự chủ phải thành lập HÐT như một mô hình quản trị trong trường ÐH công lập. HÐT nhằm đại diện quyền sở hữu của nhà trường, quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động; phương hướng đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng giáo dục. Mặt khác, khi các trường tự chủ, giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước thì HÐT là tổ chức giám sát, chỉ đạo thực hiện nhằm tránh việc lạm quyền của ban giám hiệu hoặc hiệu trưởng. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), trong số 12 trường thực hiện tự chủ từ hai năm trở lên theo Nghị quyết số 77/NQ-CP (Nghị quyết 77) năm 2014 của Chính phủ, mới có tám trường thành lập HÐT. Mặc dù được coi là hội đồng quyền lực nhưng thực tế quá trình thành lập và hoạt động của HÐT khá mờ nhạt. Tại một số trường, Chủ tịch HÐT là người ngoài trường, công việc rất bận rộn, thời gian dành cho nhiệm vụ HÐT dường như không có, cho nên hiệu trưởng vẫn là người điều hành các cuộc họp của HÐT. Với một số trường, chủ tịch HÐT là trưởng một đơn vị trong trường, là cấp dưới của hiệu trưởng cho nên khả năng điều hành cuộc họp với thành viên là ban giám hiệu thường bị hạn chế khiến lu mờ vai trò.

Một trong những nguyên nhân khiến việc thành lập và hoạt động của HÐT chưa hiệu quả do phần lớn thành viên HÐT là trưởng đơn vị cấp dưới trực tiếp của hiệu trưởng (hơn 70% số thành viên HÐT là cán bộ các đơn vị trong trường) dẫn đến có xu hướng bảo vệ lợi ích của mình trong vai trò là trưởng đơn vị thuộc trường hơn là ở vai trò thành viên HÐT. Mặt khác, quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến HÐT khi thành lập cơ bản giống như bộ máy quản lý mở rộng dẫn đến trùng lặp với bộ máy quản lý hiện hành, làm cho việc quản trị, quản lý chồng chéo. Trong khi đó, các cơ quan chủ quản cũng chưa muốn "buông" các trường ÐH, vẫn muốn "quản" cho nên chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thành lập và hoạt động của HÐT dẫn đến kém hiệu quả.

Ðể hoạt động của HÐT đạt hiệu quả như mục đích đề ra, các chuyên gia giáo dục cho rằng cần điều chỉnh và cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của HÐT. Ðại diện Trường ÐH Kinh tế quốc dân cho rằng, Chính phủ và Bộ GD và ÐT cần nghiên cứu bổ sung các văn bản pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của HÐT. Nhất là bảo đảm HÐT cần có bộ máy giúp việc và ngân sách riêng để thực hiện nhiệm vụ độc lập với hiệu trưởng. Nếu HÐT phụ thuộc tài chính do hiệu trưởng quyết thì sẽ khó bảo đảm khách quan, hiệu quả.

Phó hiệu trưởng Trường ÐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng, cần có chế tài liên quan việc thành lập HÐT và có quy định làm rõ mối quan hệ, chức năng, nhiệm vụ của HÐT với Ðảng ủy và ban giám hiệu để không bị trùng lặp gây khó khăn và vướng mắc trong quá trình hoạt động. Bộ GD và ÐT cần xây dựng quy chế hoạt động HÐT mẫu để các trường có thể vận dụng. Trong khi đó, PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ÐH Bách khoa Hà Nội kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật GDÐH, quy định rõ các cấp độ tự chủ, vai trò và trách nhiệm của bộ chủ quản và HÐT. Cụ thể hóa các quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDÐH trong từng hoạt động của nhà trường theo từng cấp độ tự chủ. Mặt khác, cần quy định cụ thể HÐT là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện quyền sở hữu, đồng thời đại diện quyền lợi của các bên liên quan của cơ sở GDÐH, giảm nhẹ quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng thì mới từng bước thực hiện tự chủ hiệu quả trong các cơ sở GDÐH.

Giang Sơn, Nguyễn Ðoàn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/34751502-phat-huy-vai-tro-cua-hoi-dong-truong.html