Phát huy vai trò của giáo viên trong quan hệ thầy trò

Bạo lực học đường trong những năm qua luôn là vấn đề được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương mà nhất là sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh. Song, bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng và trở thành 'vết đen' ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo.

Học sinh trở về trường cũ tặng hoa tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo VN 20-11. Ảnh: Mai Hải

Có nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa hiện tượng này như phát huy vai trò của hệ thống pháp luật, chú trọng giáo dục gia đình, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường chính là quan hệ lỏng lẻo giữa thầy và trò. Thời gian qua, hàng loạt những vụ việc xảy ra trong quan hệ thầy trò. Hiện tượng thầy đánh trò, xúc phạm nhân phẩm, danh dự học trò, giáo viên gây áp lực tinh thần… đã được báo chí lên án mạnh mẽ. Một trong những nguyên nhân, theo tôi đó là chúng ta chưa giải quyết tốt mối quan hệ thầy - trò, thầy cô chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong thực hiện chức trách của mình.

Chất lượng quan hệ “thầy – trò” là một tiêu chí, thước đo trình độ, phẩm chất nhà giáo. Thực tế, đội ngũ thầy cô giáo luôn là hình ảnh phản chiếu trực tiếp nhất đến học trò, thầy cô mẫu mực thì trò học tập, noi theo gương tốt, thầy cô có hành vi tiêu cực thì trò cũng bắt chước mà xấu theo. Chính vì vậy, trong quan hệ này, giáo viên phải biết xây dựng không khí lớp học làm sao thật vui tươi, phấn khởi, học sinh tự giác và hứng thú, say mê luôn mong muốn được lĩnh hội tri thức. Để thực hiện yêu cầu này, giáo viên phải luôn có lòng yêu nghề, yêu học trò, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Trên bục giảng, người giáo viên không chỉ truyền thụ tri thức mà còn là người truyền lửa, truyền nhiệt huyết để giáo dục hình thành nhân cách đạo đức cho người học, thực hiện phương châm dạy chữ đi đôi với dạy người.

Vì thế, bên cạnh nội dung tri thức cần phải truyền đạt họ còn phải biểu hiện thái độ cảm xúc, tình cảm, ý chí, khát vọng trong suốt quá trình dạy học, luôn thể hiện niềm tin vào thế hệ học sinh. Từ đó tạo nên bầu không khí tâm lý đoàn kết trong nội bộ tập thể lớp học. Một ánh mắt, một cử chỉ, một thái độ mẫu mực sư phạm hay một giọng nói truyền cảm đều tạo nên sự đồng cảm trong chính người học, giúp các em hứng thú, tiếp thu nhanh và hình thành những ứng xử văn hóa đẹp với bạn vè, thầy cô. Chính vì vậy, nhà giáo không được phép bộc lộ thái độ, cảm xúc, hành vi tiêu cực trên bục giảng vì nó không thể đem lại niềm tin cho học trò thậm chí gây ra sự phản cảm, tiêu cực, “thầy không nghiêm, trò tất loạn” là điều dễ xảy ra.

Những “vết đen” học đường trong thời gian qua làm dư luận bức xúc. Dẫu biết rằng, hiện tượng này không phải là phổ biến nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội và giá trị đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Rất có lý khi ông cha ta nói rằng: Một thầy giáo tồi có thể ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh. Theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa nhất chính là việc tuyển chọn, đào tạo sư phạm ở nước ta vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào cũng không có quy định cụ thể, còn lỏng lẻo hời hợt dành cho sinh viên sư phạm. Rồi trong quá trình đào tạo cũng vậy, hấu hết các trường sư phạm hiện nay còn không ít những lỗ hổng trong việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề ngiệp cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học sư phạm. Vì vậy, không ít sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường đã không mẫu mực, có quá nhiều hành vi tùy tiện, ngẫu hứng hình thành các thói hư tật xấu, thiếu sự tu dưỡng rèn luyện, thậm chí có những sinh viên còn lệch lạc trong nhận thức, xa rời lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng…Bên cạnh đó, sau khi ra trường cũng có những thầy cô giáo lại thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện mà nhất là rèn luyện về đạo đức, lối sống. Một số ít thầy cô giáo bị mặt trái của cơ chế thị trường tác động, lôi kéo nên đạo đức xuống cấp, mai một; hoặc sự lôi cuốn bởi các trang mạng xã hội nhất là phim ảnh bạo lực cũng như văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến thiếu sự kiểm soát nhận thức cũng như có thái độ và hành vi tiêu cực. Công tác tập huấn hàng năm ở một số trường học cũng hời hợt, kém chất lượng, nội dung chưa thiết thực, còn dàn trải, qua loa.

Để khắc phục hiện tượng trên, trong những năm tới ngành sư phạm cần làm tốt tuyển chọn đầu vào, chú trọng năng khiếu, sở trường, năng lực sư phạm của sinh viên. Quá trình đào tạo phải có sự sàng lọc để lựa chọn những người đủ điều kiện về phẩm chất và trình độ chuyên môn. Với mỗi nhà giáo, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất và năng lực là rất quan trọng. Do vậy, mỗi người làm nghề giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện trong đó phải tích cực rèn luyện về lối sống, về tư thế, tác phong, phương pháp, cũng như các mối quan hệ tích cực trong và ngoài nhà trường. Trong quá trình dạy học, phải luôn chú trọng việc hình thành những phẩm chất, đạo đức lối sống cho học trò. Lương tâm nghề nghiệp, tình yêu thương học trò, đối xử một cách công bằng, khéo léo với các em; đánh giá một cách khách quan, công bằng; lấy thuyết phục giáo dục làm chính; lấy tập thể để giáo dục cá nhân; lấy sự công tâm, mẫu mực để làm gương cho học trò…Đó chính là quan tâm đến việc dạy người. Trong dạy học, mỗi thầy giáo phải biết làm chủ các kỹ năng sư phạm, nhất là kỹ năng kiềm chế cảm xúc, đừng bao giờ để sự nóng giận lấn át lý trí mà dẫn đến những hành vi phản giáo dục .

Nguyễn Văn Công (Biên Hòa, Đồng Nai)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-huy-vai-tro-cua-giao-vien-trong-quan-he-thay-tro-512451.html