Phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai

Thời gian qua, thiên tai đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Vậy làm gì để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra? Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (22-5-1946 / 22-5-2019), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.

 Ông Trần Quang Hoài.

Ông Trần Quang Hoài.

Phóng viên (PV): Thưa ông, công tác PCTT là nhiệm vụ thường xuyên và hết sức nặng nề. Năm 2019, công tác này tập trung vào những nhiệm vụ gì?

Ông Trần Quang Hoài: Năm 2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã quyết định chọn "Tuần lễ quốc gia PCTT" với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, điều này mang ý nghĩa rất sâu sắc. Chúng ta phải làm sao nâng cao năng lực PCTT từ cộng đồng. Để làm được điều này, phải có thông tin để hỗ trợ cộng đồng và có các giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục. Ngoài việc thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng về khả năng ứng phó thiên tai thì một việc rất quan trọng là phải xây dựng cho được đội xung kích ứng phó, khắc phục thiên tai tại cộng đồng. Năm nay, chúng ta sẽ tập trung vào nhiệm vụ này. Mặt khác, cần tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai là trẻ em, học sinh, phải nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai cho đối tượng này.

Về loại hình thiên tai, năm nay chúng ta phải tập trung cao độ vào phòng, chống lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Đây là loại hình thiên tai đã gây thiệt lại rất lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân trong những năm gần đây. Mặt khác, cũng phải phòng, chống, ứng phó hiệu quả với sạt lở bờ sông, bờ biển. Bởi trung bình mỗi năm, sạt lở bờ sông, bờ biển đã lấy đi khoảng 300ha đất. Ngoài ra, cũng không thể chủ quan với các loại hình thiên tai khác.

Bộ đội giúp dân huyện Mường La (Sơn La) khắc phục hậu quả lũ quét. Ảnh: QUỐC BẢO

PV: Cụ thể việc phát huy vai trò của cộng đồng và cấp cơ sở trong PCTT có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài: Thiên tai ngày càng cực đoan với cường độ lớn, trái quy luật, không theo mùa, vùng tác động rộng ở khắp các vùng, miền trong cả nước. Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống, ứng phó thiên tai lớn, như: Hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu, thuyền, các tuyến đường giao thông, nâng cấp công tác dự báo... Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ nếu thiếu đi sự tham gia của chính cộng đồng-những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ thiên tai. Do đó, việc cộng đồng phải tham gia vào công tác PCTT là hết sức quan trọng, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện có nhiều địa phương đã phát huy rất tốt vai trò của cộng đồng trong công tác PCTT, phát huy rất tốt vai trò của các đội xung kích. Tuy nhiên, cũng có những địa phương chưa phát huy được vai trò của cộng đồng, chưa tạo điều kiện để các đội xung kích hoạt động. Đây là những hạn chế cần khắc phục.

PV: Công tác phối hợp với các ban, ngành, trong đó có ngành giáo dục để trang bị kỹ năng PCTT cho học sinh đã được triển khai thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài: Sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước đi rất bài bản, trong đó có việc ký kết quy chế phối hợp, lựa chọn những công việc cụ thể để triển khai giữa hai bên. Vừa qua, hai bên đã phối hợp tổ chức Cuộc thi “Đại sứ học đường trong PCTT và thích ứng biến đổi khí hậu năm 2019”, thu hút 500 tác phẩm của học sinh các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 300 người chết và mất tích do thiên tai, trong đó trẻ em chiếm khoảng 25%. Nếu chúng ta làm tốt việc nâng cao kỹ năng, kiến thức PCTT cho các em thì các em sẽ có khả năng tự bảo vệ bản thân, giảm thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

PV: Thưa ông, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác PCTT nước ta hiện nay như thế nào và có ý nghĩa gì trong việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra?

Ông Trần Quang Hoài: Thiên tai những năm gần đây xảy ra rất bất thường đòi hỏi công tác ứng phó phải thật nhanh chóng, chính xác. Và để ứng phó tốt, chúng ta không chỉ cần nâng cao năng lực ứng phó mà phải ứng dụng khoa học công nghệ để đánh giá đúng mức độ, diễn biến của thiên tai một cách nhanh chóng. Ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu dự báo, quan trắc, theo dõi, giám sát, thông tin, truyền thông và các giải pháp ứng phó... là rất quan trọng trong việc giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Ví dụ trước đây, chúng ta chống sạt lở bằng các phương pháp truyền thống, như dùng các tuyến đê cứng thì nay đã dùng các loại đê mềm kết hợp với điều kiện tự nhiên...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phat-huy-vai-tro-cua-cong-dong-trong-phong-chong-thien-tai-574682