Phát huy vai trò cộng đồng trong giảm phát thải, suy thoái rừng

Sau 10 năm thực hiện cơ chế giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng tại Việt Nam (REDD+), đến nay diện tích che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, góp phần giảm phát thải CO2, tăng cường trữ lượng carbon rừng... Tuy vậy, để ngăn chặn tình trạng mất rừng, suy thoái rừng, một trong những giải pháp cần chú trọng đó là tăng cường phát triển các mô hình sinh kế bền vững để tăng năng lực cho người dân, giúp họ tham gia thực sự vào việc giữ gìn, bảo vệ rừng.

Chia sẻ thông tin tại hội thảo “Thực hiện REDD+ tại Việt Nam: 10 năm nhìn lại và định hướng tương lai” ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo thực hiện REDD+, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Năm 2009, Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia đầu tiên được lựa chọn thí điểm Chương trình REDD+ của Liên hợp Quốc. Qua 10 năm chuẩn bị cho sự sẵn sàng và thực thi REDD+, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong tăng cường năng lực cho các bên tham gia, thiết kế chia sẻ lợi ích, đảm bảo an toàn và giám sát, báo cáo, thẩm định.

Trao đổi về việc thực hiện thí điểm REDD+ tại Việt Nam, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo REDD+ Việt Nam cho biết, đã có những thay đổi căn bản về tầm nhìn và cách tiếp cận để khẳng định vai trò của rừng và ngành lâm nghiệp trong phát triển bền vững: Đã chuyển dần trọng tâm từ “nhiều rừng hơn” sang “rừng tốt hơn”; nhận thức sâu sắc hơn và thể chế hóa giá trị của rừng một cách toàn diện.

Thời gian qua, công tác phát triển, trồng rừng được chú trọng. Ảnh: Đ.L

Thời gian qua, công tác phát triển, trồng rừng được chú trọng. Ảnh: Đ.L

Rừng không chỉ có gỗ mà còn nhiều giá trị trực tiếp và gián tiếp khác cần được quản lý và sử dụng hợp lý; đã tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài ngành lâm nghiệp.

Cụ thể là doanh nghiệp tham gia bảo vệ rừng, hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, bảo đảm phát triển nông nghiệp không còn là nguyên nhân gây suy thoái rừng; bảo đảm quyền sử dụng đất lâm nghiệp và rừng của cộng đồng sống trong và gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số theo Luật Lâm nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội sinh kế từ rừng cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng…

Từ thực tiễn thiết kế và xây dựng cách tiếp cận hợp tác quản lý rừng thích ứng trong giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất, các khu vực ưu tiên cho thực hiện REDD+ phần lớn là khu vực còn nhiều rừng tự nhiên tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách xa khu dân cư, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, phát triển các mô hình sinh kế bền vững là một trong những biện pháp quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng mất rừng, suy thoái rừng.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Đ.L

Ngoài ra, một thực tế hiện nay của người dân trong việc tiếp cận REDD+ là vấn đề quan tâm trước tiên không phải để bảo vệ rừng, mà là sẽ được hưởng lợi ích gì, có thể đáp ứng gì trong nhu cầu cuộc sống như ăn, ở, học hành, mang lại giá trị gì về kinh tế cho gia đình, con cái họ.

Vì vậy, để người dân tham gia thực sự vào quá trình giữ và bảo vệ rừng, cần có hỗ trợ về sinh kế để tăng thu nhập, từ đó giảm tác động và áp lực lên rừng của người dân địa phương.

Đ.L

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-huy-vai-tro-cong-dong-trong-giam-phat-thai-suy-thoai-rung-95935.html