Phát huy vai trò Công đoàn trong bảo vệ người lao động

Thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động, 6 tháng đầu năm, hệ thống các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn đã tư vấn 13.129 vụ cho 36.398 lượt đoàn viên, người lao động; đại diện khởi kiện tại Tòa án 19 vụ tranh chấp lao động cá nhân, 2 vụ tranh chấp lao động tập thể cho 1.019 người lao động, với tổng số tiền bồi thường hơn 1,9 tỷ đồng.

Bảo vệ quyền lợi người lao động qua chính sách

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: 6 tháng đầu năm, các cấp công đoàn đã tham gia tích cực, trách nhiệm vào việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, trọng tâm là Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; tham gia ý kiến phản biện đối với các chính sách, quy định có liên quan đến đoàn viên, người lao động.

Công nhân lao động tham gia “Phiên chợ công nhân năm 2019” tại Hà Nam.

Công nhân lao động tham gia “Phiên chợ công nhân năm 2019” tại Hà Nam.

Cụ thể, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các cuộc tiếp xúc với nhiều nhóm đối tượng để lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, tập trung vào một số nội dung lớn, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều như vấn đề tăng giờ làm thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, về tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở...

Trong đó, quan điểm nhất quán của tổ chức Công đoàn, được đại bộ phận người lao động và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ là sửa đổi luật phải hướng tới đảm bảo sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, khẳng định sự tiến bộ, mang lại lợi ích tốt hơn cho người lao động, thể hiện bản chất giai cấp công nhân và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đáng chú ý, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, người lao động được duy trì.

6 tháng đầu năm, hệ thống các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn đã tư vấn 13.129 vụ cho 36.398 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án 739 vụ cho 1.013 người lao động; đại diện khởi kiện tại Tòa án 19 vụ tranh chấp lao động cá nhân, 2 vụ tranh chấp lao động tập thể cho 1.019 người lao động với tổng số tiền bồi thường hơn 1,9 tỷ đồng.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong Hội đồng Tiền lương quốc gia. Căn cứ các kết quả nghiên cứu, khảo sát về đời sống công nhân, tình hình phát triển kinh tế xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ quan điểm, đề xuất 3 phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Theo đó, tiền lương tối thiểu phải tăng từ 7-8% để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau 2 phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình Chính phủ mức tăng tiền lương tối thiểu năm 2020 là 5,5%. Mức tăng này đã góp phần hoàn thành một trong các mục tiêu mà Nghị quyết 27-NQ/TW (khóa XII) đề ra.

Phát huy vai trò đại diện tại cơ sở, các cấp công đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền đồng cấp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở. Từ đầu năm đến nay, các công đoàn cơ sở đã tham gia xây dựng 9.226 quy chế mới, sửa đổi, bổ sung 19.840 Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở cho phù hợp với quy định mới; tổ chức 22.606 cuộc đối thoại định kỳ và 2.928 cuộc đối thoại đột xuất tại doanh nghiệp; có 98,48% số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị công chức, viên chức; 46,32% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động.

Công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể đạt kết quả tích cực. Việc thí điểm thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, ký kết Thỏa ước lao động tâp thể tại doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn tiếp tục có chuyển biến.

Đáng chú ý, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, người lao động được duy trì. 6 tháng đầu năm, hệ thống các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn đã tư vấn 13.129 vụ cho 36.398 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án 739 vụ cho 1.013 người lao động; đại diện khởi kiện tại Tòa án 19 vụ tranh chấp lao động cá nhân, 2 vụ tranh chấp lao động tập thể cho 1.019 người lao động với tổng số tiền bồi thường hơn 1,9 tỷ đồng.

Các cấp công đoàn đã cử cán bộ nắm cơ sở, kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh về những diễn biến mới phát sinh trong tình hình công nhân, viên chức, lao động nhất là về những vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động; đẩy mạnh tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là tại các doanh nghiệp đang chờ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn.

Không ngừng chăm lo lợi ích đoàn viên

Tiếp tục bám sát chủ đề năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, nhằm hiện thực hóa chỉ tiêu ký mới 500 thỏa thuận hợp tác trong năm 2019, các cấp công đoàn tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn đã ký kết 262 thỏa thuận hợp tác mới (đạt 52,4% chỉ tiêu của năm 2019); đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các thỏa thuận mới đến đoàn viên, người lao động; tạo điều kiện thuận lợi để 1.313.208 lượt đoàn viên, công nhân, lao động tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của đối tác với tổng số tiền là hơn 63,959 tỷ đồng.

Với chủ đề “Mỗi Công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”, phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đều có hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên, nhân dịp Tháng Công nhân 2019, đã có 27.136 Ban Chấp hành công đoàn cơ sở doanh nghiệp chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức ít nhất 1 hoạt động chăm lo thiết thực lợi ích cho đoàn viên, người lao động.

Nhiều đơn vị đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức hoạt động “Cảm ơn” người lao động nhằm ghi nhận đóng góp quan trọng của người lao động đối với sự phát triển của doanh nghiệp, động viên người lao động gắn bó lâu dài, bền vững với đơn vị. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức “Phiên chợ công nhân năm 2019” với nhiều hoạt động thiết thực gắn với tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động”.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực làm việc với 33 tỉnh, thành phố để thống nhất quỹ đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế Công đoàn. Đồng thời, triển khai xây dựng thí điểm tại 3 địa phương gồm Hà Nam, Tiền Giang và Quảng Nam. Dự kiến, đến ngày 30/8/2019, sẽ bàn giao 500 căn hộ đầu tiên cho người lao động là đoàn viên công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam…

6 tháng đầu năm, các cấp công đoàn đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền đồng cấp tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà nhân dịp Tháng Công nhân; tặng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; tôn vinh, khen thưởng công nhân, lao động tiêu biểu…

Thông qua những hoạt động thiết thực chăm lo, cải thiện đời sống đoàn viên, đã góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa người đoàn viên với tổ chức Công đoàn, thu hút nhiều hơn người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn.

N.Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-huy-vai-tro-cong-doan-trong-bao-ve-nguoi-lao-dong-93773.html