Phát huy vai trò 'cầu nối' đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống

Những điểm mới trong việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII không chỉ đơn thuần là tiết kiệm thời gian, tránh sự trùng lặp, mà qua đó góp phần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy, thể hiện nhận thức chính trị sâu sắc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí đảng viên, đặc biệt là các đồng chí đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đã thành công tốt đẹp và thông qua Nghị quyết Đại hội với những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể. Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đang được đặt lên hàng đầu. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Quách Thế Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình về kế hoạch tuyên truyền của tỉnh.

 Đồng chí Quách Thể Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.

Đồng chí Quách Thể Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.

PV: Xin đồng chí cho biết, công tác tuyên truyền sau Đại hội đã được triển khai như thế nào để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống?

Đ/c Quách Thế Ngọc: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII diễn ra từ ngày 1 - 3/10, đã thông qua Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 3/10/2020 (sau đây viết tắt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh). Ngay sau Đại hội, các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh đã kịp thời thông tin tuyên truyền, đăng tải Nghị quyết Đại hội; các Đảng bộ trực thuộc đã tổ chức các hội nghị báo cáo nhanh kết quả Đại hội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 03-KH/TU, ngày 11/11/2020 về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Để việc học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đáp ứng yêu cầu là đổi mới, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, làm rõ hơn nữa cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện để cấp ủy Đảng các cấp xây dựng chương trình hành động, đề án phù hợp với đảng bộ cấp mình; các báo cáo viên đã học tập, quán triệt và nghiên cứu sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVI, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khóa XVI, Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020.

Đồng thời với việc triển khai, học tập, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã thành lập 3 đoàn công tác do đồng chí Bí thư và các Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đi làm việc trực tiếp tại các Đảng bộ trực thuộc nắm tình hình, cùng tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII. Đến ngày 15/12, 13/13 Đảng bộ trực thuộc đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt trong 01 ngày, dành cho các cán bộ chủ chốt ở các huyện, thành phố và đảng ủy trực thuộc, do Bí thư huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chủ trì.Theo Kế hoạch, từ nay đến ngày 30/12 sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị cho đảng viên ở cơ sở; đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung các văn kiện Đại hội cho các chức sắc tôn giáo trước ngày 15/1/2021; các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn cũng đã xây dựng chương trình để đăng tải, phát sóng tuyên truyền Nghị quyết Đại hội trong nhân dân.

Có thể nói, kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã được truyền tải sâu rộng, phù hợp tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; qua đó, tạo sự tin tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, tích cực thực hiện một cách sáng tạo trong thực tiễn, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đi vào đời sống.

PV: So với nhiệm kỳ trước, việc quán triệt Nghị quyết Đại hội lần này có những điểm mới nào, thưa đồng chí?

Đ/c Quách Thế Ngọc: So với nhiệm kỳ trước, việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, Hòa Bình không tổ chức hội nghị học tập, quán triệt cấp tỉnh. Việc triển khai do Bí thư cấp ủy ở các Đảng bộ trực thuộc chủ trì; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giao cho đội ngũ báo cáo viên hỗ trợ các Đảng bộ thực hiện.

Thứ hai, các đồng chí đã dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục học tập, quán triệt Nghị quyết ở các hội nghị do cấp ủy cấp mình tổ chức. Đây là những người đã trực tiếp thảo luận, xây dựng, biểu quyết thông qua Nghị quyết ở Đại hội, hiểu sâu sắc các nội dung, quan điểm, mục tiêu trong Nghị quyết; do đó khi về đảng bộ, chi bộ cấp mình sẽ trở thành những “cầu nối” thông tin làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Có thể nói, những điểm mới này không chỉ đơn thuần là tiết kiệm thời gian, tránh sự trùng lặp, mà qua đó làm nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy, thể hiện nhận thức chính trị sâu sắc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí đảng viên, đặc biệt là các đồng chí đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo.

PV: Như vậy công tác tuyên truyền sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Đ/c Quách Thế Ngọc: Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền phải giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cơ bản trong các văn kiện, trọng tâm là bài học kinh nghiệm, mục tiêu, chỉ tiêu, các đột phá chiến lược. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có số lượng các mục tiêu chủ yếu thuộc các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, nhiều hơn nhiệm kỳ trước.

Để thực hiện thắng lợi các nhóm mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh chỉ rõ 4 nhiệm vụ giải pháp mang tính đột phá, chiến lược là: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định của pháp luật; Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; Phát triển kết cấu hạ tầng.

PV: Nhân dân đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo động lực hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngành Tuyên giáo tỉnh Hòa Bình sẽ chú trọng những giải pháp tuyên truyền trọng tâm nào để động viên, khích lệ nhân dân thực hiện Nghị quyết, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội?

Đ/c Quách Thế Ngọc: Để công tác tuyên truyền được sâu rộng, tạo sự tin tưởng, đồng thuận từ nhận thức tới hành động trong các tầng lớp nhân dân, cổ vũ, khích lệ khí thế thi đua sôi nổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội, ngành Tuyên giáo tỉnh Hòa Bình đã thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh để tiếp tục tăng cường phối hợp, đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, Nghị quyết của cấp ủy các cấp theo tinh thần đúng người, đúng việc, coi trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có tính khả thi.

Thông qua việc giới thiệu, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong học tập và làm theo Bác để tiếp tục tuyên truyền nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong lao động sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa trong mọi mặt đời sống xã hội.

Cùng với đó, chủ động triển khai, nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực tuyên giáo như đổi mới nội dung, phương pháp quán triệt, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội; tích cực tham gia công tác giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, chủ động, xung kích trên nhiều mặt trận để giải quyết những vấn đề mới, nảy sinh trong thực tiễn, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Phải gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác Tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng. Công tác Tuyên giáo phải “đi trước” để dự báo, định hướng mở đường, “đi cùng” các sự việc để nắm chắc tình hình và “đi sau” để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn phong phú. Công tác Tuyên giáo phải tập trung góp phần quảng bá tỉnh Hòa Bình để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời,tập trung tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng thu hút đầu tư của Hòa Bình từ lợi thế địa lý tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, có điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, cũng như quyết tâm cao của hệ thống chính trị trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá về tiềm năng du lịch của vùng đất lưu giữ nhiều di chỉ và các truyền thống văn hóa của nền văn hóa Hòa Bình; cái nôi của dân tộc Mường với bộ sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”; miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng đất của những lễ hội giàu bản sắc dân tộc Tây Bắc với Mo Mường và nghệ thuật Chiêng Mường đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và đang được đề xuất là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; vùng đất của những danh lam thắng cảnh nổi tiếng...

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam!

Vương Hùng - Đinh Phương (thực hiện)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/tin-hoat-dong/phat-huy-vai-tro-cau-noi-dua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-vao-cuoc-song-570054.html