Phát huy vai trò cán bộ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Để chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai hiệu quả, vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở rất quan trọng. Bởi đây là đội ngũ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách vào đời sống; xây dựng phong trào thi đua tại cơ sở; kịp thời phản ánh những ý kiến từ nhân dân...

Cán bộ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) nắm tình hình hộ dân được hỗ trợ trâu giống để phát triển sản xuất.

Cán bộ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) nắm tình hình hộ dân được hỗ trợ trâu giống để phát triển sản xuất.

Ở xã Quảng Lâm của huyện Đầm Hà, các phong trào thi đua về đẩy lùi lạc hậu trong lao động, sản xuất để tăng thu nhập, xây dựng nếp sống mới... đang ngày càng nhân lên, phát triển sôi nổi. Đó là điều kiện quan trọng để xã vùng cao, khó khăn nhất huyện phát huy thành công nội lực, đạt đủ điều kiện hoàn thành Chương trình 135 vào cuối 2019; đến giữa năm 2020 lại tiếp tục “về đích” xây dựng xã NTM. Trong đó không thể không kể đến đội ngũ cán bộ của xã và các thôn, bản đã làm tốt nhiệm vụ đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào đời sống của mỗi người dân tại đây.

Theo bà Phạm Thị Lý, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Lâm, để xây dựng NTM, đội ngũ cán bộ của xã cho đến từng thôn, bản đều xác định phải cùng bà con tháo gỡ được “rào cản” lớn nhất chính là từ những e ngại, lạc hậu trong tư duy, nhận thức của mỗi người. Mà cán bộ, đảng viên chính là đội ngũ gương mẫu, mạnh dạn để giúp cho bà con hiểu, tin và làm theo. Nhờ đó, nhân dân trên địa bàn xã đã cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chung sức, chung lòng, góp công, góp của để thực hiện thắng lợi từng tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM.

Cán bộ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) tuyên truyền về xây dựng NTM cho các tiểu thương tại chợ trung tâm xã.

“Không phải đợi có việc, có tổ chức hội nghị họp dân thì chúng tôi mới tuyên truyền, vận động. Nhiệm vụ này được thực hiện thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc, ngay cả khi gặp người dân trên đường đi rừng, làm ruộng, hay lúc đến thăm từng hộ, cán bộ xã, thôn cũng tranh thủ trò chuyện, tâm sự để giúp người dân hiểu những việc cần làm, cần thay đổi. Nội dung vận động gần gũi, cởi mở để người dân biết từ bỏ những thói quen sinh hoạt lạc hậu, thay đổi phương thức nuôi trồng kém hiệu quả, biết thực hiện vệ sinh nhà cửa sạch, ruộng vườn đã là góp phần xây dựng NTM rồi. Những gia đình, cá nhân tiêu biểu thì được biểu dương ngay để nhân rộng nền nếp thi đua” - Bà Lý cho biết.

Ở những xã vùng cao như Quảng Lâm, các cán bộ ở cơ sở ghi dấu ấn trong việc tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, thói quen của đồng bào DTTS. Đội ngũ này cũng tích cực phát huy vai trò trong nhiều công trình, phần việc, nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng NTM. Đó là việc triển khai phong trào làm đường giao thông nông thôn với cách làm công khai, minh bạch, dân chủ, tạo được sự đoàn kết, thống nhất rất cao trong cộng đồng dân cư. Hay như việc xây dựng thành công các phong trào chỉnh trang diện mạo nông thôn bằng những ngày tổng vệ sinh đường ngõ xóm, tham gia trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, thành lập các tổ nhân dân tự quản về thu gom rác thải, an ninh trật tự...

Cán bộ bản Khe Mọi (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) giám sát tiến độ hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo của bản.

Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, nhận thức cho cán bộ, người dân về triển khai xây dựng NTM. Hằng năm, các huyện, thị xã, thành phố đều tiến hành họp đánh giá và tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm xây dựng NTM đến cán bộ các cấp và người dân. Trong đó bao gồm những nội dung như: Hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách mới; giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, trang bị kỹ năng về xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động...

Đội ngũ cán bộ cấp xã của TP Uông Bí tham dự hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật do MTTQ thành phố tổ chức, tháng 12/2020.

Ngoài các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, tỉnh còn quan tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề như quản trị, quản lý dự án, kỹ năng bán hàng, xúc tiến thương mại... kết hợp với tham quan các mô hình thực tế cho đội ngũ cán bộ các cấp. Trong giai đoạn 2016-2020, phạm vi tập huấn không chỉ ở cấp huyện mà mở rộng đến đội ngũ tại cấp xã, thôn, các hộ dân và doanh nghiệp. Cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng rất khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức lựa chọn chương trình, cân đối quỹ thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm.

Xây dựng được đội ngũ cán bộ mạnh từ cơ sở sẽ là yếu tố quan trọng để khơi dậy phong trào từ cơ sở. Việc xây dựng NTM bền vững, đổi mới từ nhà ra ngõ, từ dưới lên trên mới thành công.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202012/phat-huy-vai-tro-can-bo-co-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-2514390/