Phát huy vai trò các đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng

Đô thị trung tâm (ĐTTT) vùng được xác định là những đầu tàu lôi kéo, lan tỏa sự phát triển đối với không gian xung quanh. Tác động từ các ĐTTT tới phát triển kinh tế của vùng ĐBSH là tương đối rõ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có 3 đô thị trung tâm (ĐTTT) hiện hữu trên thực tế cũng như đã được xác định trong quy hoạch phát triển của vùng này là các đô thị Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Nghiên cứu này không tính theo ranh giới hành chính, mà chỉ tính phần đô thị), tập trung phân tích vai trò của các ĐTTT với phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH.

Thực trạng

ĐTTT vùng được xác định là những đầu tàu lôi kéo, lan tỏa sự phát triển đối với không gian xung quanh. Tác động từ các ĐTTT tới phát triển kinh tế của vùng ĐBSH là tương đối rõ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu kéo dài tình trạng này thì vùng ĐBSH khó có thể có phát triển nhanh và bền vững. Nhận định này thể hiện ở những điểm chủ yếu dưới đây:

Thứ nhất, năm 2012 tổng dân số của 03 ĐTTT là khoảng 3,66 triệu người (trong đó, Hà Nội chiếm 72,3%; Hải Phòng chiếm 22,1%; Nam Định chiếm 5,6%). Trong 12 năm (2001-2012) dân số của toàn bộ hệ thống đô thị của vùng ĐBSH tăng 2,46 triệu người, thì riêng số dân của 3 ĐTTT đã chiếm khoảng 74,6%. Như vậy, 03 ĐTTT này quyết định tăng dân số đô thị của vùng ĐBSH (Bảng 1).

Bảng 1: DÂN SỐ 03 ĐÔ THỊ TRUNG TÂM QUA CÁC NĂM

Đơn vị tính: Nghìn người

Nguồn: Xử lý theo niên giám thống kê các năm 2000, 2005, 2012 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Từ năm 2000 đến năm 2012, các ĐTTT đã tiếp nhận khoảng 1,19 triệu người từ khu vực nông thôn. Tức là trong 12 năm qua có 1,19 triệu người nông dân trở thành dân đô thị (chiếm khoảng 61,2% tổng dân số tăng thêm của Vùng trong cùng thời kỳ, 1,19/1,944 triệu) và chiếm khoảng 74,6% tổng số dân thành thị tăng thêm. Việc “phình to” các ĐTTT không gắn liền với sự phát triển của dịch vụ và kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã gây ra tình trạng bất lợi cho sự phát triển của bản thân các đô thị đó, cũng như ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển chung của Vùng.

Xét theo cấu trúc dân số cũng cho thấy nhiều điều lý thú trong quá trình phân tích về phát triển. Dân số tăng lên của các ĐTTT mang tính tiến bộ và điều đó tác động nhiều tới phát triển kinh tế. Trong 12 năm qua, chất lượng dân số của các ĐTTT tăng lên đáng kể. Tỷ trọng dân số có trình độ đại học trở lên tăng lên tương đối khá, từ 12,7% lên 22,1%. Chính điểm này ảnh hưởng có lợi cho thay đổi cơ cấu ngành nghề của bản thân các đô thị, cũng như của cả Vùng.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực đô thị luôn luôn cao hơn mức tăng trung bình của nền kinh tế vùng ĐBSH (Bảng 2). Cụ thể là gấp 1,24 lần ở giai đoạn 2001-2005; gấp 1,10 lần ở giai đoạn 2006-2010 và khoảng 1,17 lần trong thời kỳ 2001-2012. Trong khi GDP/người của khu vực đô thị cao gấp 1,6-1,9 lần mức trung bình của toàn Vùng.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do:

(i) Những năm vừa qua công nghiệp chủ yếu thu hút vào các khu công nghiệp, mà những khu công nghiệp này phần lớn phân bố xa các đô thị.

(ii) Lĩnh vực dịch vụ tại các đô thị cũng chưa phát triển mạnh, nhất là trong những năm khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến năm 2012.

Bảng 2: TĂNG TRƯỞNG GDP CỦA VÙNG ĐBSH VÀ CỦA ĐTTT

Đơn vị tính: %/năm

Nguồn: Xử lý theo niên giám thống kê các năm 2001- 2012 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ ba, ở góc độ khác, tính toán theo số liệu thống kê của các tỉnh cho thấy khu vực đô thị nói chung, các ĐTTT nói riêng, đóng góp vào tăng trưởng GDP của vùng ngày càng tăng, từ mức khoảng 41,2% ở giai đoạn 2001-2005 tăng lên 45,7% vào giai đoạn 2006-2012 và ở mức trung bình 43,2% trong thời kỳ 2001-2012. Như vậy trong suốt giai đoạn 2001 – 2012, các ĐTTT đóng góp trung bình 4,2 điểm phần trăm/năm cho vùng ĐBSH. Điều đó nói lên rằng, vai trò của khu vực đô thị đối với tăng trưởng kinh tế của Vùng là rất quan trọng.

Thứ tư, các ĐTTT có vai trò quan trọng đối với việc tăng năng suất lao động của vùng ĐBSH. Từ năm 2000 đến năm 2012, tỷ trọng đóng góp của 03 ĐTTT vào năng suất lao động của Vùng tăng đáng kể; từ mức khoảng 43,6% năm 2000 lên khoảng 51,4% vào năm 2012 (Bảng 3). Nói cách khác, về cơ bản ba ĐTTT giữ vai trò tương đối quan trọng đối với việc tăng năng suất lao động của Vùng. Tuy nhiên, do năng suất lao động của các ĐTTT cũng chưa vượt trội, nên năng suất lao động bình quân của vùng ĐBSH cũng chỉ bằng khoảng 1,3-1,4 lần mức trung bình của cả nước.

Bảng 3: TỶ LỆ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC ĐTTT VÀO GIA TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG VÙNG ĐBSH

Đơn vị: Triệu đồng, giá so sánh năm 1994

Nguồn: Xử lý theo niên giám thống kê các năm 2000, 2005, 2012 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ năm, các ĐTTT có vai trò đáng kể tới chuyển dịch cơ cấu ngành của vùng ĐBSH. Các ĐTTT là những nơi lan tỏa các ngành dịch vụ, cũng như thu hút nhiều lao động tham gia xây dựng và dịch vụ dân sinh ở các đô thị ấy (Bảng 4). Trong thời kỳ 2001-2012, phân tích số liệu thống kê cho thấy, khu vực dịch vụ của các ĐTTT tăng 1 điểm phần trăm thì khu vực dịch vụ của toàn vùng ĐBSH tăng khoảng 1,4-1,55 điểm phần trăm. Đồng thời, khu vực phi nông nghiệp của ĐTTT tăng 1 điểm phần trăm, thì khu vực phi nông nghiệp của vùng ĐBSH tăng khoảng 1,2 điểm phần trăm. Tác động của các ĐTTT tuy có, nhưng còn hạn chế, sự lan tỏa chưa như mong muốn. Do vậy, để vùng ĐBSH chuyển dịch cơ cấu ngành mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế nhanh thì nhất thiết phải phát triển hơn nữa các ĐTTT theo hướng gia tăng ảnh hưởng của chúng đến phát triển Vùng một cách hữu hiệu hơn.

Bảng 4: CƠ CẤU PHI NÔNG NGHIỆP TRONG TỔNG GDP CỦA VÙNG ĐBSH VÀ CỦA CÁC ĐTTT

Đơn vị tính: %

Nguồn: Xử lý theo niên giám thống kê các năm 2000, 2005, 2012các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ sáu, các ĐTTT có vai trò lớn trong việc đào tạo bậc đại học cho phần lãnh thổ còn lại của vùng ĐBSH. Hàng năm số lượng người đi học đại học cũng như người tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Hải Phòng ngày càng tăng. Phần lớn số người tốt nghiệp ra trường làm việc ở các tỉnh tại ĐBSH. Điều đó ảnh hưởng tốt đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của các địa phương thuộc Vùng này.

Thứ bảy, các ĐTTT có vai trò to lớn trong việc cung cấp hàng hóa công nghiệp, dịch vụ và công nghệ, góp phần làm tăng năng suất lao động và cải thiện đời sống người dân của các địa phương trong Vùng. Theo xu thế chung, sản phẩm công nghệ mới của các ĐTTT chuyển tới tiêu thụ ở phần lãnh thổ còn lại ngày càng tăng. Tiêu biểu như các công nghệ: cấy mô cây chuối ở Hưng Yên; nuôi gà Đông Cảo ở Hải Phòng và Hưng Yên; nuôi dế ở Hải Dương; làm hương trầm ở Thái Bình; nuôi gà siêu trứng ở các huyện thuộc Hà Nội; trồng gạo tám ở Hải Hậu (Nam Định)… kéo theo việc hình thành một lực lượng chuyên chăm lo dịch vụ ở khu vực nông thôn; hàng loạt doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ phát triển.

Mặt khác, các ĐTTT còn giữ vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển nông sản thực phẩm hàng hóa của các địa phương trong vùng. Những năm gần đây, tại Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc xuất hiện những vùng trồng cây cảnh, hoa, rau thực phẩm và chăn nuôi gia cầm, bò sữa quy mô lớn cung cấp cho các thành phố, đặc biệt là cho Thủ đô Hà Nội.

Một số giải pháp

Đối với chính quyền các cấp:

(i) Đổi mới nhận thức tư duy đối với quy hoạch phát triển ĐTTT

Quy hoạch phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển của mỗi lãnh thổ, đặc biệt là đối với các ĐTTT - lãnh thổ có sự “cô đặc” các nguồn lực để phát triển vùng. Chính vì vậy, việc đổi mới nhận thức tư duy đối với quy hoạch phát triển giữ vai trò then chốt trong việc phát huy hơn nữa vai trò của các ĐTTT nhằm thúc đẩy vùng ĐBSH phát triển nhanh và bền vững. Việc đổi mới nhận thức tư duy này, theo chúng tôi nên theo một số hướng chính như sau:

- Quy hoạch phát triển các ĐTTT phải chỉ rõ phát triển cái gì và phân bố ở đâu? Tức là cần làm rõ hơn nữa các lĩnh vực phát triển gắn liền với không gian phát triển ở ĐTTT.

- Quy hoạch phát triển các ĐTTT phải có tầm nhìn dài hạn (từ 40-50 năm đến hàng trăm năm). Tầm nhìn quy hoạch đối với các ĐTTT cần tính toán và dự báo được ngưỡng phát triển về mặt lãnh thổ cũng như mạng lưới kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông vận tải đi kèm với nó. Trên cơ sở tầm nhìn dài hạn đó là các kế hoạch phát triển theo giai đoạn ngắn (khoảng 5 năm) tùy bối cảnh và các nguồn lực tác động.

- Quy hoạch phát triển các ĐTTT phải coi trọng hiệu quả sử dụng đất và tăng chiều cao không gian. Trong bối cảnh mật độ các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh có xu hướng ngày càng dày đặc trong khi diện tích mặt bằng đô thị có hạn, công tác quy hoạch cần tính toán và đề xuất những phương án sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, mà một trong những biện pháp hữu hiệu đó là tăng chiều cao không gian sử dụng.

- Quy hoạch phát triển các ĐTTT phải đặt trong mối quan hệ với quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của Vùng. Ví dụ: Đô thị Hà Nội là trung tâm của vùng cũng như của cả miền Bắc; đô thị Hải Phòng là trung tâm của vùng duyên hải Đông Bắc và đô thị Nam Định là trung tâm của vùng phía Nam ĐBSH.

(ii) Đổi mới quản lý nhà nước theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả

- Đổi mới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước theo hướng chính quyền đô thị. Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị có thể học tập kinh nghiệm của một số đô thị trên thế giới vốn đã rất thành công như Singapore (chính quyền đô thị chỉ gồm 02 cấp là: thành phố và khu dân cư).

- Cùng với việc đổi mới hệ thống quản lý, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý (đặc biệt ứng dụng công nghệ hiện đại để quản ý giao thông, xây dựng và dân cư) và xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước có đạo đức, lương tâm, năng lực, trình độ là những biện pháp quan trọng hàng đầu để đạt được thành công theo mô hình quản lý mới.

- Ban hành khung khổ pháp luật có lợi cho việc phát triển các ĐTTT, quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu, chủ đầu tư, người dân.

- Tăng cường phối hợp giữa chính quyền các ĐTTT với chính quyền các địa phương lãnh thổ xung quanh và chính quyền các đô thị khác trong Vùng; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển đô thị.

Đối với doanh nghiệp và người dân:

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân về phát triển ĐTTT với phương châm “Làm vì mọi người và làm cho lâu dài”.

- Hình thành văn hóa doanh nghiệp và người dân. Đây là cơ sở để xây dựng văn hóa đặc trưng cho các ĐTTT từ đó hấp dẫn du khách, cũng như các nhà đầu tư./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 795/QĐ-TTg, ngày 23/5/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH đến năm 2020.

2. Tổng cục Thống kê (2001-2013). Niên giám Thống kê năm 2000-2012, Nxb Thống kê, Hà Nội.

3. Ngô Doãn Vịnh (2007). Chiến lược phát triển: Bàn về tư duy và hành động có tính chiến lược, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Ngô Thắng Lợi (2011). Hoạch định phát triển kinh tế - xã hội: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Phạm Ngọc Trụ, Học viện Chính sách và Phát triển

Theo kinhtevadubao.com.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-huy-vai-tro-cac-do-thi-trung-tam-vung-dong-bang-song-hong-92096.html