Phát huy vai trò 'bà đỡ' của Bảo hiểm thất nghiệp

Do dịch Covid-19, 5 tháng đầu năm 2020 đã có trên 430.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 128% cùng kỳ năm 2019). Riêng tháng 5 đã có gần 160.000 người nộp hồ sơ (bằng 155% so với tháng 4/2020 và bằng 145% cùng kỳ 2019). Những con số trên đã cho thấy vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp trong việc giúp cho người lao động khi không có việc làm, đồng thời hỗ trợ học nghề.

Lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại các quầy của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội.

Lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại các quầy của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội.

Chỗ dựa cho người lao động

Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia cho biết, nếu tình hình dịch diễn biến tích cực, số mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 70.000-80.000 người và 3-3,5 triệu lao động phải ngừng việc, 70-75% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nếu tình hình dịch chỉ đi ngang (không xấu, không tốt) thì mỗi tháng vẫn sẽ có 80.000-90.000 lao động mất việc, khoảng 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và sẽ có 5-5,6 triệu lao động bị ngừng việc. Trường hợp tình hình dịch xấu đi, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số mất việc hàng tháng 90.000-100.000 người, 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và số lao động bị ngừng việc lên tới 6-7,2 triệu người.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, trong đầu năm nay, quan sát thị trường lao động, đồng thời từ số liệu về thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thì thời điểm cao điểm nhất người lao động đến với Trung tâm đề nghị hưởng BHTN là tháng 4 và tháng 5. Đây là 2 tháng người lao động đến đông hơn so với giai đoạn trước và cùng kỳ.

Đối với những người đã mất việc làm, chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng này theo điều 42 của Luật Việc làm, trong đó có 4 chế độ hỗ trợ người lao động: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, người lao động mất việc được giới thiệu việc làm miễn phí, từ đó chọn được những việc làm tốt, không phải mất phí giới thiệu.

“Cùng với đó, thông qua chế độ học nghề miễn phí sẽ trang bị những kỹ năng, kiến thức để người lao động tiếp cận công nghệ, giúp họ sau khi quay trở lại thị trường lao động sẽ có thêm nhiều lợi thế trong quá trình làm việc, để có việc làm ổn định, bền vững hơn, phù hợp với yêu cầu của bản thân”, ông Thảo cho biết thêm.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, quá trình sản xuất của chúng ta đang ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải thực hiện giải pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Quan điểm của Thủ tướng là không đánh đổi sức khỏe người dân lấy kinh tế. Rất may trong quá trình thực hiện chính sách, BHTN là loại bảo hiểm ngắn hạn có vai trò như “bà đỡ” của Nhà nước đã giúp cho người lao động khi không có việc được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch nên không thể học vào lúc này được nên biện pháp quan trọng nhất là các doanh nghiệp khó khăn phải giải quyết BHTN. Tôi đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan xã hội, trung tâm giải quyết chính sách BHTN cho người lao động rất kịp thời. Đây là nguồn động lực để người lao động đảm bảo ổn định gia đình khi chưa tìm kiếm được việc làm mới.

Chuyển hướng nguồn quỹ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web việc làm quốc gia, để cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối người lao động với doanh nghiệp, doanh nghiệp với các địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000-5.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN để hỗ trợ người sử dụng lao động, lao động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm.

Cho ý kiến về vấn đề trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, theo quy định của luật, khi người lao động bị thất nghiệp thì dùng Quỹ BHTN để đào tạo lại nghề. Hiện nay, Quỹ BHTN đang có 80.000 tỷ đồng đang kết dư. Vì vậy, chúng ta có thể bỏ 4.500 tỷ đồng hoặc 7.000 tỷ đồng để đào tạo nghề bởi 9, 10 năm nay, chúng ta vẫn chưa bỏ ra đồng nào đào tạo người lao động tại doanh nghiệp. Chúng ta phải cố gắng làm sao đó để chuyển nguồn kinh phí này giao cho các doanh nghiệp đào tạo đi trước, đón đầu, đào tạo lại, đào tạo người thất nghiệp để họ giữ lấy thị trường lao động, quay lại thị trường lao động.

Ngoài ra, cũng cần khuyến khích nên dùng gói này để đào tạo nghề tốt hơn, còn hơn để người lao động dùng món tiền này tiêu xài cho cuộc sống. Quan trọng nhất là có thể nâng cao tay nghề của người lao động. Quỹ này họ có thể đào tạo cho người có nguy cơ thất nghiệp và lao động mới bổ sung vào doanh nghiệp, chứ không chỉ chăm chăm đào tạo lao động thất nghiệp.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phat-huy-vai-tro-ba-do-cua-bao-hiem-that-nghiep-129348-129348.html