Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài “Văn hóa trong sự nghiệp phát triển bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để tỉnh có những chính sách phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa.

Còn nhiều hạn chế

Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện Văn hóa và Phát triển, chủ nhiệm đề tài, Khánh Hòa có điều kiện địa lý khá đặc biệt gồm: biển, đảo, miền núi, đồng bằng, tạo cho tỉnh những dạng thức văn hóa phong phú. Trên địa bàn tỉnh có các công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như: Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), Thành cổ Diên Khánh, Phủ đường Ninh Hòa, đền thờ Trần Quý Cáp (Diên Khánh), đình Phú Cang (Vạn Ninh)… Tuy nhiên, thực trạng phát triển văn hóa của tỉnh trong những năm qua chưa được phát huy đúng mức. Nhiều giá trị, loại hình văn hóa truyền thống đang đối diện với nguy cơ mai một.

 Khách tham quan di tích Tháp Bà Ponagar.

Khách tham quan di tích Tháp Bà Ponagar.

Qua khảo sát cho thấy, hiện có 39,2% người dân được hỏi biết đến hát bài chòi nhưng chỉ có 1,3% biết đến hát sắc bùa, 6,8% biết đến hát giao duyên… Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như: tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, đưa một số loại hình vào trường học… Điển hình như nghệ thuật bài chòi dân gian, một số trường đã thực hiện chương trình sân khấu học đường và mang lại tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện còn quá ít, chỉ một lần trong năm, chưa đủ để các em hiểu, yêu thích và gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trong khi đó, các nghệ nhân bài chòi phần lớn đã lớn tuổi, lớp kế cận mỏng, dẫn đến nguy cơ gián đoạn trong quá trình trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc…

Cùng với đó, hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân; việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng, phát triển văn hóa còn hạn chế… Tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư cũng đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa…

Từ thực tế trên, UBND tỉnh đã đặt hàng cho Viện Văn hóa và Phát triển thực hiện đề tài “Văn hóa trong sự nghiệp phát triển bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Sau hơn 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá thực trạng các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh và tác động của văn hóa đối với lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó, nhóm đưa ra định hướng phát triển văn hóa, trọng tâm là xây dựng, phát triển văn hóa con người; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; chú trọng, đầu tư phát triển văn hóa, du lịch…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhằm phát huy vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của tỉnh giai đoạn mới, nhóm tác giả đề xuất 4 nhóm giải pháp như: nâng cao nhận thức; đổi mới cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phương tiện; xã hội hóa hoạt động văn hóa.

Theo đó, đối với giải pháp nâng cao nhận thức, trong phát triển văn hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền cần hướng đến nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng nội dung chương trình giáo dục chuyên biệt, giáo dục về văn hóa, lịch sử địa phương… Đối với việc đổi mới cơ chế chính sách, tỉnh cần thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng cũng như chiến lược của Chính phủ về phát triển văn hóa gắn với điều kiện hoàn cảnh đặc thù riêng của tỉnh; coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và văn hóa phi vật thể, các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài tài liệu, hiện vật tại các bảo tàng, cơ quan lưu trữ; thực hiện tốt các hình thức tôn vinh nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu. Ngành Văn hóa cần tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, nghệ sĩ… Ngoài ra, tỉnh cần xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, có chính sách khuyến khích về cấp đất, miễn giảm thuế đất cho các cơ sở hoạt động văn hóa ngoài công lập; thực hiện đồng bộ, nhất quán chính sách “văn hóa trong kinh tế” và ngược lại; việc ban hành chính sách văn hóa cần sự đồng bộ với cái nhìn tổng thể, quy hoạch khoa học, đảm bảo sự kế thừa, phát triển hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Song song đó, tỉnh cần thực hiện tốt công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tăng cường quan hệ hợp tác giữa các đơn vị của ngành với các trung tâm đào tạo, viện, trường trong và ngoài nước; mở các khóa đào tạo mới cho các loại hình nghệ thuật; đầu tư đào tạo những tài năng nghệ thuật trẻ; thực hiện chế độ đãi ngộ nhằm tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi…

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch hội đồng đánh giá: “Đề tài đã khảo sát, đánh giá trung thực thực trạng giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh, những thành tựu và hạn chế trong phát triển văn hóa; dự báo được sự biến đổi trong quá trình phát triển và hội nhập. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học hữu ích cho các cơ quan quản lý, tỉnh hoạch định chính sách về văn hóa trong phát triển bền vững của tỉnh thời gian tới…”.

K.H

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201911/phat-huy-va-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-8139267/