Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm qua, ngành tuyên giáo Thanh Hóa tiếp tục làm tốt nhiệm vụ trong tình hình mới

Mùa thu này, cùng với Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, ngành tuyên giáo tỉnh ta cũng tròn 90 tuổi. Niềm vui được nhân lên, hòa quyện cùng niềm tự hào về những thắng lợi vẻ vang mà quê hương Thanh Hóa giành được trong suốt chặng đường 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành tuyên giáo.

Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh trao giải và chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ ngành tuyên giáo, các thí sinh tham dự chung kết Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (tháng 8 - 2019). Ảnh: Trọng Nam (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, ngành tuyên giáo của Đảng có các tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, nhưng trong bất cứ thời kỳ cách mạng nào, ngành tuyên giáo vẫn luôn giữ vị trí quan trọng, hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng; là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Đảng xác định công tác chính trị, tư tưởng là mặt trận quan trọng hàng đầu của cách mạng. Thông qua tuyên truyền Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cứu nước, Đảng đã phát động phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, mà đỉnh cao là các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Trên đà thắng lợi đó, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tập tài liệu “Ngày Quốc tế Đỏ 1-8” kêu gọi Nhân dân cả nước chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1-8 trở thành mốc son trong công tác tuyên giáo của Đảng. Năm 2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo.

Cùng với sự trưởng thành của ngành tuyên giáo toàn quốc, ngành Tuyên giáo Thanh Hóa đã phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của ngành trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng đất nước; góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của vùng đất xứ Thanh “địa linh, nhân kiệt”.

Tại Thanh Hóa, trước năm 1930, những cán bộ cộng sản đầu tiên của Đảng, như: Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập... được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng trong tỉnh, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29-7-1930. Ngay từ buổi đầu thành lập, Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng với những nhiệm vụ trọng tâm là: tuyên truyền, phát triển đảng viên; xây dựng các tổ chức quần chúng; thu hút, tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng, chống sưu cao, thuế nặng, chống đàn áp bóc lột của thực dân, phong kiến... Để phục vụ công tác tuyên truyền, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức cơ quan ấn loát truyền đơn, tài liệu Đảng, phát hành tờ báo “Tiến lên”. Số báo đầu tiên in tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ, làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, đây là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Về sau, các tờ báo như: Hồn Lao động, Tia sáng, Tự do, Đuổi giặc nước, Tấc đất, Chống giặc và Báo Thanh Hóa ra đời, phục vụ ngày càng đắc lực, hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng của Đảng bộ tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác tư tưởng ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu. 90 năm qua, mặc dù có thời điểm thực hiện việc chia tách, hợp nhất, hay thay đổi tên gọi: từ “Tiểu ban Tuyên truyền, cổ động” khi mới ra đời, đến ban tuyên huấn (năm 1948), ban tuyên huấn và ban nghiên cứu lịch sử Đảng (năm 1962), đến năm 1973 Tỉnh ủy thành lập thêm ban khoa giáo và đến năm 1988 thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trên cơ sở sáp nhập các ban tuyên huấn, ban nghiên cứu lịch sử và ban khoa giáo; công tác tuyên giáo luôn gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh; tham mưu cho Đảng bộ tỉnh về các lĩnh vực tư tưởng, lý luận, cổ động, nghiên cứu lịch sử Đảng, văn hóa, văn nghệ... trước đây và ngày nay là trong các lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội.

Thời kỳ 1930-1945, công tác tư tưởng tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống đàn áp bóc lột của thực dân phong kiến, hưởng ứng cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh; cổ động, tuyên truyền đòi thực hiện dân sinh, dân chủ (giai đoạn 1936-1939) và cổ động đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân (giai đoạn 1939-1945). Một số sự kiện đánh dấu những dấu mốc quan trọng của công tác tuyên giáo trong thời kỳ này, như: Nhân Ngày Quốc tế Đỏ (1-8-1930), các chiến sĩ cộng sản trong tỉnh đã tổ chức rải truyền đơn kêu gọi quần chúng Nhân dân đấu tranh; kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, 1-5-1931, cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên nóc nhà ga Thanh Hóa và cổng huyện đường Vĩnh Lộc; truyền đơn ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh... đã tạo ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Nhân dân; góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, tập hợp các tầng lớp Nhân dân tham gia các cuộc vận động cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ gặp muôn vàn khó khăn. Ngành tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh góp phần cùng các lực lượng khác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động đến mức cao nhất tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải cho công cuộc bảo vệ chính quyền cách mạng; cổ vũ Nhân dân thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Đặc biệt, ngày 20-2-1947, hai tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ tối cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã vào thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Với tầm nhìn chiến lược, Người chỉ thị “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”... Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), công tác tư tưởng - văn hóa đã góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc vai trò là căn cứ hậu phương kháng chiến; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức lý luận, giác ngộ chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; từng bước đấu tranh chống tư tưởng phi vô sản, phong kiến, chống tác phong quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng. Đảng bộ Thanh Hóa đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương của Trung ương Đảng, lãnh đạo Nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những năm đầu hòa bình lập lại, giai đoạn 1954 - 1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, ngành tuyên huấn tập trung tuyên truyền xây dựng, củng cố năng lực lãnh đạo của Đảng, tăng cường vai trò của hệ thống chính quyền, MTTQ và các đoàn thể Nhân dân; đấu tranh với âm mưu của kẻ địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, cưỡng ép, kích động giáo dân di cư vào Nam, đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc; động viên Nhân dân tích cực sản xuất, chiến đấu chi viện cho chiến trường miền Nam.

Giai đoạn 1960 - 1975, ngành tuyên giáo Thanh Hóa đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo về tư tưởng - văn hóa, động viên toàn quân, toàn dân phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sản xuất và chiến đấu; lập nên những thành tựu vẻ vang. Hàng vạn cán bộ tuyên giáo đã có mặt ở khắp mọi nơi, trên mọi mặt trận; hàng ngàn cán bộ tuyên huấn, các nhà báo, văn nghệ sĩ, nhà giáo, cán bộ khoa học - kỹ thuật... đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên huấn đã thực sự trở thành đội quân chủ lực trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ tỉnh.

10 năm (từ 1975 - 1985), đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH, sự nghiệp xây dựng lại quê hương, đất nước diễn ra trong điều kiện hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng bằng tất cả tinh thần, lực lượng và ý chí tiến công, ngành tuyên giáo đã tham mưu cho Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; cùng toàn Đảng, toàn dân tộc tìm tòi, khảo nghiệm tìm ra con đường vượt qua cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, mở đường cho mô hình nền kinh tế mới; đồng thời, huy động sức người, sức của đóng góp cao nhất cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam.

Gần 35 năm đổi mới, ngành tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa đã bám sát nhiệm vụ được giao, tập trung tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo có hiệu quả công tác tư tưởng. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, truyền thống cách mạng; củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân; tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong các lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội. Công tác tuyên giáo ngày càng có sự đổi mới cả về nội dung, phương pháp, hình thức tiến hành, cơ bản đáp ứng được yêu cầu; nhiều lĩnh vực công tác của ngành có chuyển biến, tiến bộ; phong cách, lề lối công tác đã có nhiều đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Đặc biệt là nhiệm kỳ 2015-2020, ngành tuyên giáo của tỉnh đã tham mưu tích cực, hiệu quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới”; hầu hết trên các lĩnh vực công tác tuyên giáo đều đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo. Từ yêu cầu nhiệm vụ mới ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới việc học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng, thực hiện bằng nhiều hình thức, trực tiếp cho cán bộ chủ chốt và trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở, để đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia học tập, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong toàn đảng bộ; chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết được nâng lên, tiết kiệm thời gian và kinh phí, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tham mưu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, lý luận chính trị nhờ đó chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước, qua đó đã khơi dậy được niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân vì sự nghiệp phát triển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; đồng thời đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin không đúng sự thật, xấu, độc, gây tác động không tốt đến dư luận xã hội và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa được chú trọng; việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được đặc biệt quan tâm, trở thành nhiệm vụ thường xuyên và đạt được kết quả bước đầu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản được tăng cường.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu và trực tiếp thực hiện phối hợp với các cơ quan khoa học ở Trung ương và địa phương huy động các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử nghiên cứu đề xuất, xác định được năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa; xây dựng được ngân hàng tên đường phố và các công trình công cộng của tỉnh, làm cơ sở cho việc quyết định đặt tên các đường phố, các công trình công cộng đi vào nền nếp, đúng quy định. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn, đem lại hiệu quả thiết thực; đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người, 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, đã để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, niềm tin sâu sắc của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Ban Tuyên giáo đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm ban hành chủ trương đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện, đến nay đã có 26/27 trung tâm chính trị được công nhận đạt chuẩn.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, công tác tuyên giáo của tỉnh có nhiều thời cơ và thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do những tác động phức tạp, nhanh chóng, nhiều chiều của tình hình thế giới đến nước ta; những diễn biến bất thường, khó lường của tình hình thời tiết, khí hậu, dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng diễn ra ở tỉnh ta. Mặt khác, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nhất là trong thời gian tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó là những yếu tố tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tư tưởng và tâm trạng xã hội. Trước tình hình đó, để nâng cao chất lượng của công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong thời gian tới, toàn ngành tuyên giáo của tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, như sau:

Một là: Cần nhận thức rõ hơn và sâu sắc hơn về bối cảnh và những đặc điểm mới tác động đến công tác tuyên giáo. Thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; làm tốt công tác dự báo, đề xuất và tham gia tích cực giải quyết những vấn đề mới của thực tiễn đặt ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động nắm chắc tình hình, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin đa chiều, định hướng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống yêu nước cách mạng... nâng cao trách nhiệm chính trị, nhân rộng các nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, kinh nghiệm quý và cách làm hay, sáng tạo của các tập thể và cá nhân trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng XHCN.

Hai là: Ngành tuyên giáo cần chủ động, tích cực, sáng tạo mạnh mẽ, quyết liệt trong tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức và của cán bộ, đảng viên. Tôn vinh những tấm gương mẫu mực, liêm khiết trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết là về tư tưởng, đạo đức. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kết quả thực hiện nghị quyết đại hội các cấp của Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020; công tác đại hội và quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền biểu dương nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội; tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa lịch sử quê hương, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất và người Thanh Hóa trong con mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

Ba là: Bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và thực tiễn đời sống, phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí... góp phần xây dựng đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển trên con đường đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Bốn là: Làm tốt việc nắm bắt tình hình tư tưởng và tâm trạng xã hội, kịp thời phản ánh, tham mưu giải quyết tốt những phát sinh ngay từ cơ sở, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, an ninh tư tưởng, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, thiết thực lập thành tích chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước trong thời gian tới.

Năm là: Tập trung tuyên truyền phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, phát huy các lợi thế của tỉnh, khắc phục khó khăn, thách thức trong xây dựng, triển khai các công trình, dự án lớn có tính động lực, tạo nên sức đột phá cho sự phát triển của tỉnh, nhất là Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã được Bộ Chính trị thông qua và nhất trí ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sáu là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới”; các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học... xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức ngành tuyên giáo Thanh Hóa quyết tâm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 ở trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phát

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/phat-huy-truyen-thong-ve-vang-90-nam-qua-nganh-tuyen-giao-thanh-hoa-tiep-tuc-lam-tot-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi/122407.htm