Phát huy truyền thống trong thời đại mới

Trải qua 70 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, các thế hệ thanh niên xung phong Việt Nam đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc. Trả lời phỏng vấn Báo Hànôịmới nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020), Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định, đội ngũ cựu thanh niên xung phong sẽ tiếp tục phát huy truyền thống trong thời đại mới.

Di tích lịch sử nơi ghi dấu Ngày thành lập Đội Thanh niên xung phong đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hồng Sáng

- Ông có thể cho biết những dấu ấn nổi bật trong chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam?

- Từ khi được thành lập (ngày 15-7-1950) đến nay, hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng thanh niên xung phong luôn chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Bản thân chữ “xung phong” đã nói lên tất cả, đó là tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc yêu cầu.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, có gần 39 vạn nam, nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có 6.735 người đã hy sinh, 40.451 người bị thương, trên 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin...

Trong thời bình, lực lượng thanh niên xung phong vẫn tiếp tục phát huy vai trò xung kích của mình. Đặc biệt, sau năm 1975, lực lượng thanh niên xung phong Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã xung phong vào nhiều vùng gian khó để tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

- Vậy điểm nhấn của các hoạt động trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam là gì, thưa ông?

- Rất nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra dịp này, trong đó có hành trình về nguồn thăm Di tích lịch sử tại Núi Hồng (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), nơi ghi dấu Ngày thành lập Đội Thanh niên xung phong đầu tiên với 225 đội viên theo chỉ đạo của Bác Hồ. Nổi bật là lễ tuyên dương 70 điển hình tiên tiến thanh niên xung phong các thời kỳ. Họ là những người đã sống, có nhiều cống hiến trong giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của đất nước. Hiện những người được tuyên dương vẫn khẳng định vai trò của mình trong công tác giáo dục thanh, thiếu nhi và nhiều hoạt động khác.

- Ông có thể cho biết, giai đoạn hiện nay, tổ chức hội cần làm gì để tập hợp và phát huy sức mạnh của cựu thanh niên xung phong đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương?

- Những năm qua, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động phong phú, nhằm đáp ứng nguyện vọng của hội viên. Trong đó có phong trào “Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội”. 9 năm kể từ khi phát động, phong trào đã thu hút đông đảo cựu thanh niên xung phong cả nước tham gia. Đến nay, có hơn 13.000 hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp do cựu thanh niên xung phong làm chủ kinh doanh giỏi, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động, phần lớn là con em cựu thanh niên xung phong. Đồng thời, cựu thanh niên xung phong cả nước còn tiết kiệm, đóng góp xây dựng “Quỹ Nghĩa tình đồng đội” được hơn 288 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với tinh thần “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”, hội viên khắp cả nước tiếp tục phát huy, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cựu thanh niên xung phong nguyện nêu gương sáng theo lời Bác Hồ dạy”, đẩy mạnh các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... Từ các hoạt động này, đem lại nhiều hiệu quả tích cực, gắn kết hội viên, giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và lan tỏa ra cộng đồng.

- Để tiếp tục gìn giữ và truyền lại tinh thần “xung phong” cho thế hệ trẻ, các cựu thanh niên xung phong đã làm như thế nào, thưa ông?

- Những cựu thanh niên xung phong hiện phần lớn tuổi đã cao nhưng vẫn vẹn nguyên tinh thần “xung phong” ngày nào. Chính những ngày gian khổ góp phần làm nên nhân cách và việc giữ gìn nhân cách chính là tấm gương trong xã hội, trước hết là ở gia đình, thôn xóm để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Trong thời đại ngày nay, cựu thanh niên xung phong vừa nêu gương, vừa tham gia nhiều hoạt động, công việc khác nhau; trong đó, tích cực tham gia vào công tác xã hội mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp kêu gọi, chính quyền yêu cầu. Tinh thần của thanh niên xung phong vẫn được giữ vững, truyền lửa cho các thế hệ qua chính hoạt động của mình. Khi gặp các anh, chị em, tôi luôn nhắc nhở rằng, tinh thần thanh niên xung phong cần được tiếp tục phát huy ngay cả khi đầu đã bạc.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/972597/phat-huy-truyen-thong-trong-thoi-dai-moi