Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Hạt nhân của thành phố sáng tạo

Tất cả khó khăn của TPHCM đều có thể được giải quyết, nếu thực sự phát huy được sự sáng tạo của người dân TP. Nguồn tài nguyên lớn nhất là 10 triệu dân của TPHCM và chính sự sáng tạo của người dân sẽ quyết định phát triển TP.

Khu Công nghệ cao (quận 9) có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển đô thị sáng tạo của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chất lượng sống tốt để giữ chân người tài

TPHCM đã có chủ trương: “Khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để phát triển TP giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo”. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nếu không có sáng tạo thì TPHCM sẽ tụt hậu. Tất cả các khó khăn của TPHCM đều có thể được giải quyết, nếu thực sự phát huy được sự sáng tạo của người dân TP. Nguồn tài nguyên lớn nhất là 10 triệu dân của TPHCM và chính sự sáng tạo của người dân sẽ quyết định phát triển TP. Do đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt ra nhiệm vụ phải tạo được sự lôi cuốn, lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo đến tất cả người lao động, chính quyền, cấp ủy các cấp.

Thực tế các nước phát triển đã chứng minh rằng, thành phố sáng tạo là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của cư dân thành phố. Loại tài nguyên này sẽ tác động và thay đổi những ngành kinh tế sẵn có, tạo ra những loại hình mới. Đặc trưng của thành phố sáng tạo là 3T, gồm Technology (công nghệ), Talent (tài năng) và Tolerence (khoan dung). Thực tiễn cũng cho thấy, dòng nhân lực chất lượng cao có xu hướng đổ về các thành phố không chỉ giàu có, thu nhập cao mà quan trọng hơn phải là thành phố sống tốt. Do vậy, TPHCM cần đặc biệt chú trọng xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt để thu hút và giữ chân nhân tài, làm tăng tính sáng tạo cho thành phố mình.

Theo Mike Douglass (Đại học Hawaii, Mỹ), thành phố sống tốt có 3 thành tố quan trọng, gồm: môi trường tự nhiên tốt, môi trường sống đô thị tốt (đặt nặng vấn đề giao tiếp dân sự) và sự phát triển bản thân con người tốt (đây được xem là những đầu tư cho vốn con người, bao gồm cả yếu tố an toàn trong đời sống đô thị). Lý thuyết này cũng tương ứng với những lý thuyết về phát triển đô thị theo 3 thành tố: kinh tế, xã hội và môi trường, nhưng đặt nặng vấn đề con người hơn và xác định “con người làm trung tâm”.

Với TPHCM, chúng ta có thể học hỏi, xây dựng được thành phố sống tốt và đảm bảo người dân ở TPHCM có thể “an cư, lạc nghiệp”. Nghĩa là, người dân phải có việc làm và chỗ ở (Singapore có 85% - 90% nhà ở của người thu nhập thấp là từ nhà nước). Người dân còn phải được hưởng các dịch vụ công về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, công viên cây xanh…

Nòng cốt cho thành phố sáng tạo

Cùng với việc tạo dựng chất lượng sống tốt cho người dân để chăm lo cho con người - trung tâm của sáng tạo, thì việc hình thành khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành nòng cốt cho thành phố sáng tạo. Khu đô thị sáng tạo là một ý tưởng tổ chức đô thị mới xuất hiện trong những năm gần đây, trước tiên từ những thảo luận trong giới nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Những khu đô thị này bao gồm các trường - viện hàng đầu cùng các doanh nghiệp kết nối với các khởi nghiệp, vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Những khu đô thị này thường có quy mô nhỏ, giao thông thuận tiện với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại cung cấp không gian văn phòng, nhà ở, lẫn mua sắm.

Hiện nay, TPHCM đã có ý tưởng hình thành một khu vực trung tâm hạt nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (tạm gọi là khu đô thị 4.0, mà hạt nhân là đô thị sáng tạo, đô thị thông minh). Đó là khu vực gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (khu đô thị sáng tạo phía Đông) sẽ trở thành nòng cốt có sức lan tỏa cho thành phố sáng tạo. Nơi này cũng sẽ chính là hạt nhân sáng tạo của vùng đô thị TPHCM (bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) và sẽ trở thành điểm nút của mạng lưới kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, muốn có tiềm năng sáng tạo cần hội nhập ngay vào cuộc cách mạng 4.0 không chậm trễ để đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ và kinh tế trí thức, kinh tế số. Trong đó, để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy các chiều tăng trưởng, hướng đến phát triển đô thị sáng tạo, TPHCM đã khởi đầu từ Khu Công nghệ cao (quận 9). Khu công nghệ cao này lớn hàng đầu cả nước (diện tích khoảng 700ha), sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, đây cũng là nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của cả vùng và trở thành “thung lũng Silicon của Việt Nam”. Các dự án công nghệ cao uy tín do Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ); Nidec, Nipro (Nhật Bản); Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italy), Sanofi, Schneuder Electrolics (Pháp)... đầu tư tại Khu Công nghệ cao đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, là động lực phát triển kinh tế của TP, của vùng và cả nước và có tên trên bản đồ công nghệ cao thế giới.

Khu đô thị khoa học công nghệ cao là nơi để thu hút đầu tư công nghệ, thu hút chuyên gia hàng đầu đến làm việc và sinh sống; thúc đẩy ứng dụng thông tin, khoa học và công nghệ vào thực tế, nâng cao giá trị nôi địa hóa sản phẩm. Đây cũng là nơi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nội sinh, hợp tác quốc tế đa phương, mang lại cơ hội hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; từ đó có tác động lan tỏa, hình thành các khu công viên khoa học tại các khu vực kế cận, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu.

NGUYỄN ĐĂNG SƠN (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-huy-truyen-thong-nang-dong-sang-tao-de-phat-trien-tphcm-hat-nhan-cua-thanh-pho-sang-tao-565081.html