Phát huy truyền thống kiên cường, xây dựng Lạng Sơn phát triển nhanh và 'bền vững'

Tỉnh Lạng Sơn - vùng đất biên cương phía bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của cả nước. Để Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững trong thời gian tới tỉnh đã có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả…

Lạng Sơn có diện tích tự nhiên hơn 8.331,24 km2, có đường biên giới dài hơn 231km tiếp giáp với Quảng Tây (Trung Quốc); có các tuyến đường bộ quan trọng như 1A, 1B, 4A, 4B, 31 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung; có các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và các cặp chợ đường biên; có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống...

Nhìn lại chặng đường đã qua mới thấy Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra từng năm và của cả chặng đường. Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện, với những dấu ấn nổi bật trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thay đổi diện mạo đô thị, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo.

Một góc thành phố Lạng Sơn hiện đại, khang trang, sạch đẹp

Một góc thành phố Lạng Sơn hiện đại, khang trang, sạch đẹp

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hoạt động của chính quyền các cấp, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương có những chuyển biến rõ nét. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc, phát huy hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 5,45%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015), tương đương 1.937 USD.

Cảnh quan đường giao thông nông thôn được trang trí, giữ gìn sạch đẹp

Tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thật sự ấm no, hạnh phúc

Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác cải cách tư pháp triển khai thực hiện tích cực. Hoạt động đối ngoại ngày càng hiệu quả; năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên.

Tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Giữ gìn và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp để giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2025 không còn huyện nghèo và cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; bảo đảm sự phát triển hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thật sự ấm no, hạnh phúc.

Lê Dung

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/phat-huy-truyen-thong-kien-cuong-xay-dung-lang-son-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-71682.html