Phát huy truyền thống anh hùng

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là mốc son chói lọi của dân tộc ta ngay trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả.

Theo truyền thuyết trong dân gian, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị (còn được gọi là Hai Bà Trưng) được nuôi dạy trong gia đình có truyền thống yêu nước, được học binh thư võ nghệ, rất can đảm, dũng lược. Lớn lên, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách. Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ.

Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, khổ cực, luôn sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến Phương Bắc.

Màn diễn xướng tái hiện lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà Trưng. Ảnh: P.B

Thái thú Tô Định biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách và Trưng Trắc, đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Song hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại, càng làm cho bà thêm quyết tâm khởi nghĩa để “Đền nợ nước, trả thù nhà”. Năm 40 (sau Công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và đội quân nhà Hán tan vỡ đến đó.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, thanh bình, bà Trưng Trắc được tướng sỹ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh.

Sau khi giành độc lập được 3 năm, ngày 6/2 năm Quý Mão, tương truyền sau khi quyết chiến với kẻ thù, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống sống Hát Giang tuẫn tiết. Sau khi mất, khí phách anh linh của hai bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, tới vùng đất bên dòng sông Cái. Một đêm đầu tháng 2 âm lịch, hai pho tượng tỏa sáng trên dòng sông Nhị trước bãi Đồng Nhân. Dân làng Đồng Nhân Châu xưa đã lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ.

Tượng đá có thế hai tay giơ cao như đang rẽ nước tiến lên, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp đỏ với tư thế lẫm liệt của người nữ anh hùng. Vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định 3 (1142) được tin, truyền lập đền thờ và xây dựng khang trang ngay tại bờ đó. Năm Gia Long thứ 18 (1819), do sạt lở bờ sông, đền thờ Hai Bà Trưng được chuyển vào chính tại vị trí khu vực Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng ngày nay.

Sáng 22/3, tại Đền thờ Hai Bà Trưng (12 phố Hương Viên, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Quận ủy – HĐND – UBND – UB MTTQ quận Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1978 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (0040-2018). Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Vũ Đại Phong – Chủ tịch UBND quận cho biết: Thật vinh dự và tự hào khi quận Hai Bà Trưng được vinh dự mang tên hai vị nữa anh hùng dân tộc.

Tiếp nối truyền thống anh hùng của hai bà, những năm qua, Đảng bộ chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng đã tích cực phấn đấu thi đua, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng. Năm 2017 vừa qua, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành toàn bộ 21 chỉ tiêu, trong đó 7 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, đặc biệt chỉ tiêu thu ngân sách đạt gần 7200 tỉ đồng đạt 124,5%, với kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân quận Hai Bà Trưng đã được UBND Thành phố tặng Bằng khen.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta, là trang sử vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Để ghi nhớ công tích và báo đáp ơn đức của Hai Bà Trưng, biết bao những công trình tưởng niệm của nhân dân dành cho hai bà và các nữ tướng, nam thần của phong trào Hai Bà Trưng.

Thống kê của ngành Bảo tồn cho thấy có đến hơn bốn trăm nơi thờ cúng các vị tướng của hai bà và cả nước hiện có 3 nơi được coi là đền thờ chính Hai Bà Trưng. Đó là đền Hạ Lôi ở huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc (hội rằm tháng Giêng âm lịch) là quê hương hai bà, đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ - Hà Tây (ngày 8/3 âm lịch) là nơi hai bà hy sinh, đền Đồng Nhân ở quận Hai Bà Trưng (ngày 6/2 âm lịch) là nơi nhân dân rước tượng hai bà từ sông Cái lên bờ.

Mỗi mùa xuân đến, Đảng bộ và nhân dân quận Hai Bà Trưng lại tưng bừng tổ chức kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng để ôn lại truyền thống và tôn vinh hai vị nữ anh hùng dân tộc. Lễ kỷ niệm được coi là sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân với màn trống hội, diễn xướng tái hiện lại chiến tích oai dũng năm xưa của hai bà giúp du khách, giới trẻ tưởng nhớ và tìm hiểu về lịch sử nước nhà.

Cô Nguyễn Thu Thủy (phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng) cho biết: “Hàng năm, cứ vào ngày 5 và 6 tháng Hai Âm lịch, nhân dân quận Hai Bà Trưng nói riêng và Thủ đô nói chung lại đổ về đền thờ Hai bà dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng của dân tộc. Đây được coi như ngày hội của toàn dân quận Hai Bà Trưng, tạo không khí phấn khởi, hăng hái thi đua trong những ngày đầu năm”.

Tự hào truyền thống vẻ vang của quận mang tên hai vị anh hùng, năm 2018, cán bộ và nhân dân quận Hai Bà Trưng quyết tâm thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tập trung triển khai đạt hiệu quả cao các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quản lý trật tự đô thị, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, dân chủ, đổi mới” xây dựng quận Hai Bà Trưng phát triển toàn diện và bền vững.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-huy-truyen-thong-anh-hung-70724.html