Phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân; nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm tới lợi ích thiết thực của người dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá khả năng đóng góp của người dân.

Lực lượng Đoàn thanh niên của xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) luôn tham gia đi đầu trong các phong trào vận động người dân tích cực xây dựng nông thôn mới.

Lực lượng Đoàn thanh niên của xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) luôn tham gia đi đầu trong các phong trào vận động người dân tích cực xây dựng nông thôn mới.

Xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, gặp không ít khó khăn như địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, cơ cấu nông nghiệp chiếm trên 70%, sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người thấp, hộ nghèo ở mức cao.

Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cách làm sáng tạo, hiệu quả và bước đi phù hợp, xã Mã Đà đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Có được những thành tựu này, là do sự lãnh đạo chỉ đạo của huyện Ủy, UBND huyện Vĩnh Cửu, sự hỗ trợ của các ngành chức năng của huyện, cùng sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy-UBND xã Mã Đà. UBND xã Mã Đà tập trung chỉ đạo hoàn thành cụ thể từng nhóm tiêu chí. Với nhóm tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn, ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.

Tiêu chí giáo dục và đào tạo được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Hệ thống các trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS, THPT được quan tâm đầu tư. Năm 2016, xã Mã Đà đã được UBND huyện Vĩnh Cửu công nhận đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đạt chuẩn Xóa mù chữ - Phổ cập giáo dục năm 2016. Số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề…) là 70/77, đạt tỷ lệ 90,9%.

Nhóm tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống nông dân cũng được quan tâm. Trong năm qua, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 39,6 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ.

Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 86,03%. Xã có kết nối internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều tính đến cuối năm 2017 trên địa bàn xã có 61 hộ nghèo trong đó có 18 hộ nghèo A chiếm tỷ lệ 0,9%.

Chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà chương trình nông thôn mới đã và đang mang lại. Để có được những thành tựu đó, điều quan trọng nhât trong công tác xây dựng nông thôn mới đã thực hiện được đó chính là công tác ổn định dân cư để xây dựng nông thôn mới. Đây là công tác khó khăn nhất và cũng là lực lượng xây dựng nông thôn mới bền chặt nhất mà lãnh đạo chính quyền địa phương xác định.

Học sinh nghèo tại địa phương xã Mã Đà được quan tâm chăm sóc, giáo dục, vui chơi…

“An dân mới lạc nghiệp”, “dân cư là cái gốc rễ của chính quyền cơ sở”, dân có thuận thì việc mới xong. Muốn vậy thì công tác ổn định dân cư mới là điều đáng quan tâm nhất. Nhận định được điều này, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, cấp Ủy đảng đã rút ra được nhiều bài học quý, có giá trị đặc thù riêng của xã Mã Đà.

Một là, bài học về sự cần thiết phải vào cuộc quyết liệt của cấp Ủy, đặc biệt là sự thể hiện vai trò tích cực, tiên phong của người đứng đầu, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như sự nhiệt tình ủng hộ của người dân. Hai là, bài học về đồng thuận xã hội. Đó là sự đồng tình cả nhận thức và hành động của đại đa số thành viên trong xã hội về một hoặc một số vấn đề nào đó nhằm hoàn thành một mục đích chung.

Ba là, bài học về việc đảm bảo tính bền vững của các tiêu chí. Xây dựng nông thôn mới không phải là một kết quả nhất thành bất biến, mà là một tiến trình phát triển không ngừng.

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là khâu then chốt, là nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định đến việc tổ chức thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo xã tập trung tuyên truyền quán triệt trong cán bộ, Đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ, đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên hệ thống loa đài, áp phích; trong các cuộc họp chuyên đề về nông thôn mới và lồng ghép trong cuộc họp của các ban ngành đoàn thể, cuộc họp ở các tổ, nhóm, chi hội ấp.

Hơn nữa, UBND xã Mã Đà đã luôn chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân thực sự làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Người dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng thành quả của xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

Thanh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-huy-tinh-chu-dong-va-sang-tao-cua-nguoi-dan-164910.html