Phát huy thế mạnh, nguồn lực để đưa Sóc Trăng phát triển nhanh, toàn diện hơn

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã được tổ chức từ ngày 13-15/10/2020.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIV, bảo đảm thành phần, cơ cấu theo quy định, có trình độ, năng lực, uy tín. Đây là tập thể ưu tú, đại diện cho hơn 45 ngàn đảng viên trong toàn Đảng bộ sẽ mang lại sức bật mới trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và quân tỉnh Sóc Trăng vươn lên một tầm cao mới; phấn đấu đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, tân Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng về định hướng, những khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, tân Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, tân Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Đồng chí có thể cho biết vài nét về những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?

Có thể nói, nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch COVID-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân,… nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, cán bộ, đảng viên và nhân dân Sóc Trăng đã đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đạt được kết quả khá toàn diện. Trong 24 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, 18 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, có 2 chỉ tiêu cơ bản đạt Nghị quyết.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6,15%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 2.110 USD. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả nổi bật. Năng suất, sản lượng lúa vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Sản lượng lúa đặc sản chiếm 52% tổng sản lượng, gạo ST24 được vinh danh trong “Top 3 Gạo ngon nhất thế giới”, giải nhất “Gạo ngon thương hiệu Việt” tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3. Gạo ST25 đoạt giải nhất Cuộc thi “Gạo ngon thế giới” 2019. Sản xuất công nghiệp có bước phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 1,9 lần so với năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 13,2%/năm. Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh; nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 62,5% (chỉ tiêu Nghị quyết trên 50% tổng số xã); 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến cuối năm 2020 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo, đến nay, đã có 99 sản phẩm được xếp các hạng, vượt 282% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được nâng lên. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực; bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn vốn, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công vào giữa năm 2019. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp tục được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể được đổi mới theo hướng sát với cơ sở, chăm lo thiết thực quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Nhiệm kỳ tới được dự báo không kém phần khó khăn với những thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu khó lường… Vậy đâu là những định hướng, giải pháp mà Sóc Trăng đã đề ra cho nhiệm kỳ tới, thưa đồng chí?

Dự báo trong 5 năm tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Sóc Trăng phải đối mặt với không ích khó khăn, thách thức như: Tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai có chiều hướng diễn biến nhanh, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân. Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ có thể gây mất ổn định; tệ nạn xã hội, ma túy diễn biến phức tạp.

Để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đề ra 23 chỉ tiêu cụ thể; 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 5 nhiệm vụ trọng tâm; 3 đột phá; đồng thời, xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 trình Đại hội xem xét, cho ý kiến; trong đó, cụ thể hóa bằng 3 nghị quyết chuyên đề, 13 đề án, 1 kế hoạch, 1 kết luận và 2 nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực sẽ được ban hành, triển khai trước nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025.

Tin tưởng và kỳ vọng rằng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới với tương lai tươi sáng hơn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV sẽ cùng với quân và dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng bộ và nhân dân; thống nhất ý chí và hành động, thi đua thực hiện các phong trào hành động cách mạng, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng phát triển.

Đồng chí đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng trong phát triển kinh tế - xã hội? Trong những định hướng tới, giải pháp đã đề ra, đâu là những đột phá mà Sóc Trăng ưu tiên phát triển, thưa đồng chí?

Các bộ, ngành Trung ương đang nghiên cứu các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: cầu Đại Ngãi, tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cảng biển nước sâu Trần Đề. Sóc Trăng còn nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các dự án năng lượng, các trung tâm thương mại, du lịch,... dự kiến được triển khai, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện đạt mục tiêu và các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá, cụ thể đó là:

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án. Tỉnh Khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, cảng biển, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ba là tập trung củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Bốn là, tỉnh chú trọng phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Năm là tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để tạo động lực cho tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Sóc Trăng quyết tâm thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đó là: Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, năng lượng, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triền kinh tế số.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước. Vậy tỉnh có chính sách quan tâm như thế nào đối với đồng bào dân tộc Khmer trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu; có diện tích tự nhiên 3.312 km2 với 72 km bờ biển; tổng dân số là 1.199.653 người; trong đó, dân tộc Kinh là 774.807 người, chiếm 64,59%; đồng bào dân tộc thiểu số 424.846 người, chiếm 35,41% dân số (gồm 27 dân tộc, chủ yếu là dân tộc Khmer 362.029 người, chiếm 30,18%, đông nhất cả nước; người Hoa 62.389 người, chiếm 5,2%, còn lại dân tộc khác 428 người, chiếm 0,04%). Đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen với người Kinh, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng hành cùng các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân là hộ nghèo vùng khó khăn thuộc các xã khu vực II, III và các xã bãi ngang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của đồng bào dân tộc Khmer giảm trên 4%/năm.

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc; trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, ấp đặc biệt khó khăn, góp phần và tạo cơ hội cho đồng bào có điều kiện phát huy nội lực, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Đồng chí có thể đánh giá sơ bộ về thành công của Đại hội vừa diễn ra?

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 93-KH/TU về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bảo đảm thời gian theo quy định.

Trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Tính đến ngày 31/7/2020, các cấp ủy trong tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hoàn thành Đại hội đảng cấp cơ sở và đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, sớm hơn 30 ngày so với Chỉ thị số 35-CT/TW.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 13- 15/10/2020 với 346 đại biểu. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Đại hội đã phát huy tinh thần dân chủ, tập trung thảo luận và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ tới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 51 đồng chí (giảm 5% so với nhiệm kỳ trước). Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV có cơ cấu hợp lý, trình độ, chất lượng được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, đáp ứng yêu cầu theo Chỉ thị số 35-CT/TW.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trung Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-huy-the-manh-nguon-luc-de-dua-soc-trang-phat-trien-nhanh-toan-dien-hon-20201015232027542.htm