Phát huy thế 'ba chân kiềng'

Dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến vẫn đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ tăng 6,3% trong năm 2021. Trong đó, đổi mới thể chế, hội nhập và chuyển đổi số là những động lực quan trọng.

Nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo Cập nhật triển vọng và Phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021. Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Việt Nam đang có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế trong 10 tháng năm 2020

Xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế trong 10 tháng năm 2020

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, trong bối cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu thì "bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam vẫn "sáng đèn". Cụ thể, "Ba chân kiềng" của nền kinh tế: Đổi mới thể chế, hội nhập và chuyển đổi số vẫn giữ vững.

Có được thành công đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh những biện pháp của nhà nước được triển khai kịp thời và bao phủ, thì quan trọng hơn hết vẫn là khả năng chống chịu của người dân và doanh nghiệp. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp vẫn rất lớn.

Theo ông Nguyễn Hồng Long- Phó trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy sự lớn mạnh của họ từ đại dịch. "Từ giờ đến cuối năm, có thể xuất khẩu được hơn 35 tỷ USD, đây là một điểm sáng ấn tượng. Trong đại dịch, chúng ta cũng chứng kiến các doanh nghiệp tư nhân chuyển nhanh chóng từ xuất khẩu dệt may sang xuất khẩu trang thiết bị y tế" - ông Long đánh giá.

Đồng bộ các giải pháp

Dù còn hơn 1 tháng nữa mới hết năm 2020, nhưng việc Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế dương đã được các tổ chức, chuyên gia trong nước dự báo. Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với mục tiêu kinh tế Việt Nam đạt cả 3 yêu cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, đất nước chưa ra khỏi những khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh. Cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khóa, tín dụng… luôn là hữu hạn, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển. "Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều, cho thấy chúng ta có nhiều dư địa. Việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Đây chính là động lực cho phát triển và là gói giải pháp quan trọng nhất" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, vai trò của nhà nước chủ yếu tập trung vào vấn đề thể chế, đồng thời làm sao để hỗ trợ về kiến tạo, khai thác hợp lý các nguồn lực, xây dựng các lộ trình phù hợp cho doanh nghiệp và dẫn đường cho chuyển đổi số.

Môi trường kinh doanh hiện nay đang biến đổi rất nhanh và rất khó lường, các ngành nghề đang có sự thay đổi trong tương lai và chủ nghĩa bảo hộ như chủ nghĩa đơn phương đang trở thành xu hướng trong các thị trường lớn. Đối với doanh nghiệp, vấn đề lớn nhất là tự thân và cần khai thác tối đa các cơ hội mới như: Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), chuyển đổi số, chuyển dịch trong các chuỗi cung ứng…

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế- đánh giá, Việt Nam đã và đang tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập nên mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng có nhiều mặt trái cần quan tâm. Việt Nam cần phải cố gắng tận dụng hiệu quả từ FTAs như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Cùng với đó, vẫn phải tiếp tục tận dụng thị trường Trung Quốc nhưng có chiến lược phòng vệ, lặp lại sự cạnh tranh công bằng, dựng hàng rào cho các vụ mua - bán, sáp nhập, từ bỏ ưu ái quá mức cho FDI và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:

Ngay trong những ngày tháng Covid-19 khó khăn này chúng ta vẫn ký kết RCEP. Qua đó, có thể khẳng định, thúc đẩy hội nhập chính là một động lực cho tăng trưởng của Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-the-ba-chan-kieng-148169.html