Phát huy thành quả XDNTM, tạo động lực đưa Hoằng Hóa trở thành huyện nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh

Những thành tựu của Hoằng Hóa trong hành trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) mang đến nhiều ý nghĩa, là sự ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa để cán đích huyện NTM trước một năm so với lộ trình đề ra.

Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Ảnh: Phạm Nam

Hoằng Hóa – vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa cách mạng, truyền thống hiếu học và khoa bảng với những thế hệ người dân kiên cường, năng động, sáng tạo, bản lĩnh trong các giai đoạn cách mạng, dám đương đầu với khó khăn, thách thức để vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong hành trình cuộc “cách mạng” XDNTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa đã nỗ lực gặt hái những thành quả đáng tự hào, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đời sống, mang lại diện mạo đầy sức sống cho những vùng quê. Những thành quả đó được ghi nhận khi huyện Hoằng Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Những dấu ấn nổi bật

Nhớ lại thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, xuất phát điểm của huyện Hoằng Hóa thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng tới 45%, công nghiệp - xây dựng mới đạt 30% và dịch vụ - thương mại 25% trong cơ cấu kinh tế của huyện; thu nhập bình quân đầu người ở mức 12,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 17,49%, số tiêu chí NTM bình quân toàn huyện chỉ đạt 6,7 tiêu chí/xã, văn hóa xã hội chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của Chính phủ, huyện Hoằng Hóa đã thành lập ban chỉ đạo chương trình XDNTM; rà soát, đánh giá thực trạng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, qua đó có cái nhìn tổng quan nhất để định hướng cho công tác xây dựng quy hoạch, lập đề án NTM. Trong hai kỳ Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV (nhiệm kỳ 2010-2015) và khóa XXVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đều chọn chương trình “Phát triển nông nghiệp và XDNTM” là chương trình trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền huyện đã ban hành 22 nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án để lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó có những nghị quyết hỗ trợ kích cầu, tạo động lực để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tập trung XDNTM, như: Nghị quyết số 25/2012/NQ-HĐND về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ mục tiêu XDNTM giai đoạn 2012-2015; Nghị quyết số 44/2013/NQ-HĐND huyện về hỗ trợ xây dựng xã NTM; Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ mục tiêu giai đoạn 2016-2020... Tổng số tiền huyện hỗ trợ XDNTM trong giai đoạn (2011-2019) là 69,86 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thôn vận động các nguồn lực từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt. Tổng nguồn vốn được huy động để XDNTM trên toàn huyện đạt hơn 9.747 tỷ đồng.

Với sự hỗ trợ của Trung ương, của Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã xây nên một Hoằng Hóa có diện mạo khang trang, đời sống Nhân dân ngày càng khá giả. Đến nay, huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 9/9 tiêu chí NTM; hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở khám chữa bệnh đã đáp ứng tương đối tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, doanh nghiệp và thuộc tốp dẫn đầu các huyện trong tỉnh. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản ngày càng giảm; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng, Khu du lịch biển Hải Tiến đã có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2020 đạt 48,2 triệu đồng/người (gấp 4 lần so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 0,38% giảm 17,11%; giá trị thu nhập/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 150,7 triệu đồng; kinh tế phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao; bức tranh NTM với diện mạo mới khang trang, tươi đẹp và phát triển.

Nổi bật nhất là những bước đột phá về hạ tầng giao thông, gắn phát triển giao thông với phát triển công nghiệp và đô thị. Nhân dân trong huyện đã hiến được 33,6 ha đất; 25,97 triệu ngày công lao động, cùng với các nguồn vốn huy động hợp pháp khác đã thực hiện bê tông hóa, nhựa hóa xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường giao thông trong thôn và đường giao thông nội đồng, tạo diện mạo hoàn toàn mới cho vùng nông thôn. Huyện cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới những tuyến giao thông theo hướng đô thị có quy mô trên 4 làn xe (Goòng - Hải Tiến, Goòng - Quăng, Quỳ - Xuyên, Thịnh - Đông) hay những tuyến đường tỉnh, huyện, xã (Phú - Giang, Kim - Sơn, Thành - Tân, Vinh – Lưu - Đạo...), đường chuyên dụng trong Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến và các cụm công nghiệp... tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét thường xuyên nên thuận lợi trong việc tưới tiêu phục vụ sản xuất; hệ thống điện nông thôn được đầu tư nâng cấp, hệ thống cơ sở vật chất trường học ngày càng đồng bộ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện cao hơn bình quân của tỉnh 26%, đặc biệt cấp tiểu học đứng đầu toàn tỉnh, 100% trường đạt chuẩn mức độ 1, trong đó đạt chuẩn mức độ 2 là 28 trường, chiếm 26%. Cơ sở vật chất văn hóa tại các địa phương được đầu tư khang trang, sạch đẹp, phục vụ đắc lực cho phát triển ở mỗi địa phương.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản có bước phát triển liên tục với tốc độ khá. Toàn huyện hiện có hơn 600 doanh nghiệp, tăng 379 doanh nghiệp so với năm 2011 (trong đó có 2 doanh nghiệp nước ngoài), tạo việc làm cho 25.000 lao động, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp da giầy, may mặc, xây dựng, du lịch, môi trường. Khu Công nghiệp Phú Quý và 5 cụm công nghiệp (Thái - Thắng, Bắc Hoằng Hóa, Hoằng Đông, Hoằng Quỳ, Phú Quý) trên địa bàn được quy hoạch, định hướng nhiều ngành nghề.

Khu nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Yến. Ảnh: Phạm Nam

Huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích cây trồng liên kết bao tiêu sản phẩm giai đoạn 2011-2019 là 6.638 ha. Toàn huyện có 156 mô hình tích tụ ruộng đất quy mô từ 1 đến 3 ha để sản xuất, với diện tích 456 ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt kết quả nổi bật. Khai thác và nuôi trồng thủy sản vẫn được duy trì và phát triển theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đến nay, toàn huyện đã hình thành 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 1.832,4 ha, gồm có vùng nuôi quảng canh cải tiến diện tích 1.712,9 ha; vùng nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng diện tích 116,4 ha; vùng nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao (3,1 ha).

Lĩnh vực du lịch có nhiều đột phá khi thu hút nguồn vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, khách sạn, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch biển Việt Nam. Lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống của người dân phát triển toàn diện. Toàn huyện có 127/130 trường từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục luôn đứng trong tốp dẫn đầu của tỉnh; chất lượng chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho Nhân dân ngày càng được cải thiện; số lao động có việc làm thường xuyên và số lao động được đào tạo liên tục tăng qua các năm; các di tích lịch sử văn hóa được tôn tạo và phát huy, tệ nạn xã hội được kiểm soát và đẩy lùi, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngày càng phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Những thành tựu của Hoằng Hóa trong hành trình XDNTM mang đến nhiều ý nghĩa, là sự ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa để cán đích huyện NTM trước một năm so với lộ trình đề ra. Điều đáng mừng là nhận thức của cán bộ và Nhân dân đã chuyển đổi theo hướng từ tư duy coi chương trình là một dự án đầu tư của Nhà nước sang tư duy nội sinh lấy sức dân là chính, chủ thể của chương trình là người dân nông thôn, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ; khơi dậy nguồn lực và sự chủ động tham gia của người dân vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương trong giai đoạn tiếp theo.

Quyết tâm đưa huyện trở thành thị xã trước năm 2030

Phát huy những thành quả của 10 năm nỗ lực XDNTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa tiếp tục thực hiện cuộc “cách mạng” NTM với những định hướng ở tầm cao mới với các tiêu chí nâng cao và kiểu mẫu, thực sự khơi dậy được nội lực và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đưa mỗi vùng nông thôn trở thành những vùng đất thanh bình, phát triển theo hướng đô thị, văn minh và hiện đại. Quyết tâm mà huyện muốn vươn tới đó là đưa Hoằng Hóa trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu ở xã Hoằng Hợp. Ảnh:iệt Hương

Đây là nhiệm vụ lớn, cũng là thách thức nặng nề đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị để tạo được sự đột phá, động lực mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn - công nghệ cao, có hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển giáo dục, y tế theo hướng chất lượng cao và chuẩn hóa, xã hội hóa; giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, xây dựng con người văn hóa, gia đình, làng, xã văn hóa; tiếp tục chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện đủ sức lãnh đạo Nhân dân xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng đến đô thị hóa nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Thực hiện XDNTM phát triển toàn diện, bền vững đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả XDNTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM theo Kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết số 14-NQ/HU ngày 14-2-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện hướng đến đô thị hóa nông thôn Hoằng Hóa.

Các chỉ tiêu đến năm 2025 mà huyện đề ra đó là tổng huy động vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2020-2025 đạt trên 30.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 70 triệu đồng; mỗi xã có ít nhất 1 thôn đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, toàn huyện có 40 thôn NTM kiểu mẫu, có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là 875 ha; giá trị sản phẩm/1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 190 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 25%.

Toàn huyện sẽ tập trung thực hiện 4 chương trình trọng tâm: Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp, đô thị; phát triển du lịch; nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện. Đồng thời tập trung thực hiện 2 khâu đột phá về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông; đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là giải phóng mặt bằng.

Hoằng Hóa đang hướng đến mục tiêu mới, phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, phát huy những yếu tố thiên thời, địa lợi, lòng người bằng định hướng lớn và những mối quan tâm cụ thể để gặt hái những thắng lợi toàn diện, vững chắc hơn trong công cuộc XDNTM.

Lê Xuân Thu

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoằng Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/phat-huy-thanh-qua-xdntm-tao-dong-luc-dua-hoang-hoa-tro-thanh-huyen-nam-trong-top-dan-dau-cua-tinh/129206.htm