Phát huy thành quả huyện nông thôn mới, xây dựng Nga Sơn sớm trở thành địa phương khá của tỉnh

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Nga Sơn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp của Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh. Với sự nỗ lực phấn đấu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo Nhân dân, 100% số xã đạt chuẩn NTM, đạt 9 tiêu chí huyện NTM và ngày 14-7-2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1017/QĐ-TTg công nhận Nga Sơn đạt chuẩn huyện NTM.

Nhân lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Nga Sơn đạt chuẩn nông thôn mới

Một góc thị trấn Nga Sơn. Ảnh: Xuân Hùng

Năm 2010, khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, sản xuất nông nghiệp còn manh mún; công nghiệp, dịch vụ - thương mại chưa phát triển; cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 11,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 24,23%; bình quân tiêu chí NTM toàn huyện chỉ đạt 5,3 tiêu chí/xã. Sau hơn 10 năm XDNTM, diện mạo nông thôn huyện Nga Sơn đã thay đổi nhiều. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 46,3 triệu đồng/năm (gấp 4,1 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,14%, 100% số xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM, cảnh quan khang trang, hiện đại, môi trường “xanh - sạch - đẹp”.

Xác định XDNTM là một chương trình quan trọng và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương, sau khi tiếp thu triển khai của tỉnh, Ban Chỉ đạo XDNTM huyện Nga Sơn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và cụ thể. Huyện ủy, HĐND, UBND đã ban hành 13 nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể cho giai đoạn và từng năm; xác định lộ trình XDNTM một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để chỉ đạo, thực hiện. Hàng năm, HĐND huyện đã cụ thể hóa các nghị quyết của Huyện ủy để ban hành nhiều cơ chế và chủ yếu tập trung vào khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí XDNTM; trong 10 năm đã có tới 24 nghị quyết về cơ chế hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ hơn 207,4 tỷ đồng. Trong quá trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự quyết tâm cao để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Nội dung tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu về kiến thức XDNTM. Đồng thời, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, 250 bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, 22 lần tuyên truyền cổ động bằng xe lưu động; tuyên truyền trực quan bằng các cụm tin, băng zôn, khẩu hiệu, xây dựng được 258 cụm tin lớn, 8.350 pano, 8.235 băng zôn, 7.450 khẩu hiệu treo tường; tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, học tập kinh nghiệm ở huyện, xã trong và ngoài tỉnh về XDNTM. Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo XDNTM huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh mở 6 lớp tập huấn kiến thức cho hơn 1.550 lượt cán bộ tham gia; cấp xã đã mở 130 lớp bồi dưỡng kiến thức, hội nghị chuyên đề cho hơn 10.616 lượt cán bộ và Nhân dân.

Đi đôi với đó, tháng 6-2012, huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch XDNTM, quy chế quản lý quy hoạch cho 100% số xã và chất lượng quy hoạch bảo đảm quy định. Các xã đã tổ chức công khai quy hoạch, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời, thực hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện Nga Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 11-5-2020. Huyện xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân là yếu tố then chốt trong XDNTM. Đến hết năm 2012, huyện đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng phục vụ cho XDNTM và sau dồn đổi số thửa giảm từ 2,36 thửa/hộ xuống còn 1,53 thửa/hộ. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và xác định các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của huyện, như: chiếu cói, các sản phẩm chế biến từ cây cói, sản phẩm từ chế biến hải sản; dưa hấu, dưa vàng, rượu Nga Sơn; sản phẩm ẩm thực (gỏi cá nhệch, dê ủ trấu),... để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu. Đến nay, huyện Nga Sơn đã có 9 sản phẩm OCOP; trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận và hiện là huyện có số sản phẩm đạt OCOP cao nhất tỉnh. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn huyện có 997 trang trại, gia trại; trong đó, 48 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp, quy mô bình quân 600 con/trang trại; 33 trang trại chăn nuôi gia cầm, bình quân 4,8 nghìn con/trang trại; thu nhập bình quân hàng năm từ 300 - 400 triệu đồng/trang trại; 7 trang trại trồng trọt; 197 trang trại thủy sản; 712 trang trại, gia trại tổng hợp, cho thu nhập bình quân từ 100 - 130 triệu đồng/trang trại. Tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong nông nghiệp năm 2020 ước đạt 35,1%; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.991 lao động, thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung với diện tích 160 ha; vùng nuôi cá nước ngọt tập trung 105 ha; vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tập trung 25 ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao đang được phát triển và nhân rộng, trên địa bàn, nhất là các xã ven biển, thu nhập 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm. Phát huy tốt nghề khai thác hải sản của 208 tàu thuyền và chế biến thủy, hải sản. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 174,1 tỷ đồng; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng năm 2020 ước đạt 7.426,1 tấn, gấp 2,3 lần so với năm 2010. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại có bước phát triển khá, đóng góp lớn cho ngân sách và chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Nông dân xã Nga Thạch chăm sóc dưa trồng trong nhà lưới. Ảnh: Xuân Hùng

Cùng với đó, huyện tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình phục vụ nhiệm vụ XDNTM. Cùng với các chương trình, dự án lớn bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện đã tập trung chỉ đạo tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp khác, nhất là từ đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và NTM. Tổng nguồn lực vốn XDNTM toàn huyện đạt hơn 8.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 992,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 298 tỷ đồng, ngân sách huyện 713,8 tỷ đồng...; còn lại là vốn huy động của doanh nghiệp, HTX và Nhân dân. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công sở, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, các công trình phúc lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu tiêu chí NTM. Toàn huyện đã đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 9,4 km Quốc lộ 10 qua địa bàn; xây dựng mới cầu Điền Hộ, cầu Thắm, nâng cấp 4,8 km đường và 9,9 km cống rãnh đường tỉnh, 34 km đường huyện, xây mới và nâng cấp 106,1 km đường xã; 416 km đường thôn xóm và nội đồng; xây dựng mới 13,7 km kè, 17 cống lớn qua đê, tu bổ 11,4 km đê tả sông Lèn, 40,9 km đê địa phương, xây dựng kiên cố 35,96 km kênh tưới tiêu liên xã, 177 km kênh mương nội đồng, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu chủ động 97,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và bảo đảm tốt cho công tác phòng chống thiên tai. Hệ thống điện được đầu tư đồng bộ bảo đảm cấp điện an toàn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân; đồng thời, xây dựng mới và nâng cấp 20 công sở, 23 trung tâm văn hóa - thể thao, sân vận động xã; xây mới 71 nhà văn hóa thôn; hệ thống chợ; 23 trạm y tế, xây dựng thêm 413 phòng học kiên cố, tu sửa, nâng cấp 140 phòng học các cấp; xây dựng mới trung tâm hội nghị huyện, sân vận động, nhà thi đấu thể dục - thể thao huyện; xây dựng mới chợ huyện; 1 nhà máy nước sạch, cung cấp cho 9 xã, thị trấn... Nhờ đó diện mạo nông thôn của huyện đã từng bước được thay đổi, khang trang, hiện đại.

Các hoạt động văn hóa - thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, chú trọng. Đến nay, 100% các xã có trạm y tế đạt chuẩn giai đoạn 2, tỷ lệ người dân nông thôn tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt 90%, tăng 26,39% so với năm 2010; Bệnh viện Đa khoa huyện đã được công nhận là bệnh viện hạng II, Trung tâm Y tế huyện được xếp là đơn vị y tế hạng III; công tác phòng chống dịch bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, đến nay có 72/82 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 87,8%. Huyện chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm trung bình mỗi năm hơn 3.000 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 65,4%. Hiện nay, có 98,7% số hộ đã sử dụng nước hợp vệ sinh, 65,4% số hộ dùng nước sạch; 20 xã đạt tiêu chí xã an toàn thực phẩm.

Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, huyện Nga Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức chính trị - xã hội các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi với ý thức trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu phát triển được tập trung đẩy mạnh. Các tổ chức đoàn thể tích cực phát huy vai trò trong công tác XDNTM ở các lĩnh vực được phân công. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định; lực lượng công an tổ chức tuần tra, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân ở các khu dân cư để tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Phát huy thành quả đạt được trong XDNTM, để nâng cao các tiêu chí NTM, thời gian tới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nga Sơn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện NTM, xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu phấn đấu năm 2021, huyện Nga Sơn có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50,5 triệu đồng/năm. Đến năm 2025, huyện Nga Sơn có 50% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 30% số thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu, huyện quán triệt và thực hiện hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 7-8-2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuyên truyền những thành quả đạt được, cổ vũ động viên Nhân dân tiếp tục hăng hái thực hiện chương trình XDNTM. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân gắn với giảm nghèo bền vững. Phát huy, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa, đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa, con người văn hóa, làng, xã, cơ quan văn hóa; nâng cao chất lượng dạy và học, thường xuyên chỉ đạo bảo đảm vệ sinh môi trường. Tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ phù hợp thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đô thị hóa nông thôn. Huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức chính trị - xã hội các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi với ý thức trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong thời kỳ mới. Xây dựng lực lượng công an, quân sự vững mạnh; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, quân sự, biên phòng trong xây dựng cơ sở vững mạnh làm chủ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy thành tích đã đạt được, đẩy mạnh phong trào thi đua, đồng lòng, quyết tâm xây dựng huyện Nga Sơn sớm trở thành huyện khá của tỉnh.

Lê Văn Dậu

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/phat-huy-thanh-qua-huyen-nong-thon-moi-xay-dung-nbsp-nga-son-som-tro-thanh-dia-phuong-kha-cua-tinh/128465.htm